MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đang trình bày bài đề dẫn. Ảnh: Việt Văn

Chấn thương và chữa lành trong văn học nghệ thuật

Việt Văn LDO | 29/03/2024 09:03

Hội thảo quốc tế Chấn thương, khủng hoảng và chữa lành trong văn học - nghệ thuật Việt Nam, Nhật bản diễn ra trong hai ngày 27 và 28.3 tại Hội An (Quảng Nam) do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM có bài đề dẫn sâu sắc và công phu mang tên “Chấn thương, một vài suy nghĩ về lý thuyết và thực tiễn văn học” có nêu rõ: Trong kỷ nguyên số, chấn thương lan tỏa mạnh và tác động từng ngày, nó nói với chúng ta rằng, thế giới này là vô cùng mong manh và bất ổn. Trước tình hình ấy, chấn thương được lý thuyết hóa và nhanh chóng thành tiêu điểm trong tiếp cận văn chương, nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) lại đi vào thể thơ nổi tiếng của Nhật bản- Haiku với năng lực điều trị, chữa lành với một tác giả nữ Chiyo-ni.

Thơ Haiku của Chiyo-ni dường như có kotodama (ngôn linh) đã hồi sinh một cây anh đào khô. Chiyo-ni còn ảnh hưởng đến các bạn gái vốn là kỹ nữ cùng họ trao đổi thơ Haiku và đã truyền lan khả năng cứu độ của Haiku, như nhà văn vừa đoạt giải Nobel là Jon Fosse tin vào sức mạnh của văn chương.

Trong tham luận “Biểu tượng trong trải nghiệm chiến tranh của thiếu nữ và chữa lành - trường hợp của văn học thiếu nhi Nhật Bản” của GS Murakami Rori (Đại học Quốc gia Ryukyu, Nhật Bản) xem xét cách thể hiện các nhà văn nữ từng trải qua chiến tranh khi còn là những bé gái, tập trung vào một ngày nào đó, một thời điểm nào đó và biểu tượng của trải nghiệm chiến tranh của bé gái và chữa lành ở châu Á.

Một chủ đề khá hót mang tên “Viết và đọc về cưỡng bức tình dục: truyện kể, hồi ký và các chuyển thể sáng tạo” được GS Christina Laffin (Đại học Columbia, Canada) trình bày.

Theo đó, truyện kể và hồi ký trong văn học cổ điển Nhật Bản có những hình ảnh cưỡng ép tình dục đã cấu thành tội hiếp dâm trong cả pháp luật của thời tiền hiện đại và hiện đại, nhưng vẫn xuất hiện như là một trong những motif tự sự trong đó phụ nữ trải nghiệm lần gặp gỡ tình dục đầu tiên.

Làm thế nào độc giả của những truyện kể đó có thể vượt qua khoảng cách hàng thế kỷ để tiếp cận với các trường hợp bạo lực tình dục, ngay trong tiểu thuyết kinh điển như “Truyện Genji” (Genji monogatari, năm 1008)? Những cách thể hiện như vậy ảnh hưởng như thế nào đến các nhà văn nữ thời cổ và sự tái hiện lại bản thân như một phần của các nhân vật để giải thích và khám phá về chính cuộc đời mình?

Các phiên hội thảo với sự phân chia của 8 tiểu ban đã diễn ra sôi nổi. Nhiều vấn đề học thuật mang tính chuyên môn sâu được bàn thảo như từ nghịch lý của chấn thương đến khát vọng chữa lành, chấn thương, ký ức và căn tính, chiến tranh và hòa giải: văn học, nghệ thuật có thể làm được những gì, tự sự của những người chấn thương…

Trong đó tham luận của PGS.TS Hạ Lộ (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) mang tên “Sáng tác để chữa lành: Hình tượng Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”. Tác giả nêu rõ: “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Việt Nam - Bảo Ninh là sáng tác văn học chiến tranh nổi tiếng thế giới. So sánh những trải nghiệm của Bảo Ninh và Kiên, chúng tôi cho rằng, trong “Nỗi buồn chiến tranh” Bảo Ninh chiếu một phần tình cảm của mình lên thân phận nhân vật chính Kiên của tiểu thuyết, đem “cái tôi” chuyển dời qua “cái tôi thứ hai” tiến hành tường thuật những chấn thương, từ góc độ ký ức lịch sử của người may mắn sống sót, thực hiện tính tương hỗ của mối liên hệ giữa văn học, tác giả và hiện thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn