MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đóng đinh là công đoạn quan trọng nhất trong làm tranh đinh chỉ. Ảnh: Việt Văn

Chàng bán gạo tinh quái chơi tranh đinh chỉ

Việt Văn LDO | 02/07/2020 06:23

Trong khu chợ Nguyễn Văn Trỗi ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TPHCM từ người bảo vệ trông xe đến các hộ bán hàng trong chợ đều biết đến Phan Bá Thành, người chơi tranh đinh chỉ. Thành trước đây thường được gọi là “Tí gạo”, từ khi câu chuyện nghề của anh lên báo, đài thì ai cũng biết và gọi là Thành “đinh chỉ”.

Gạo “nuôi” tranh

Gian hàng của 2 mẹ con anh Thành bán đủ các loại gạo nếp, gạo tẻ, gạo lứt, đậu và cả một số vật dụng dùng trong nhà như chổi đót, xàphòng, dầu gội…  Vừa nói chuyện với tôi, Thành vừa tranh thủ bán hàng. Bà Muối, mẹ Thành khoe: Con trai tôi nhiều tài lắm, ngoài làm tranh đinh chỉ còn biết cắt tóc và chụp hình.

Lẫn trong chỗ hàng hóa có bày một bức tranh đinh chỉ xinh xinh cỡ 20x30cm như gợi tò mò với khách lạ còn với người quen như để thầm “khoe” chủ nhân của nó có thêm một thú chơi hay. Duyên làm tranh đinh chỉ đến với Thành tình cờ khi anh xem trên mạng và thấy bên Thổ Nhĩ Kỳ làm tranh đinh chỉ nên mày mò học theo. Tranh thủ ngoài thời gian bán gạo, Thành thường làm tranh vào trưa từ 12h đến 2h chiều khi khách mua ít. Thành làm tranh ngay tại chợ nhưng buổi tối thì làm tại nhà.

Nhà Thành ở ngay gần chợ, đi xe máy chỉ 5 phút. Nhà khá chật, ngổn ngang, bên phải là tranh đinh chỉ với đủ kích cỡ, màu sắc, bên trái là chiếc xe đạp nằm đè lên những bao gạo. Tôi ngỏ ý muốn xem và chụp Thành làm mọi công đoạn của tranh đinh chỉ. Thế là Thành kê ghế ra làm, từ phác thảo, đo thước tính toán, dùng compa vẽ vòng tròn trên giấy rồi đóng đinh. Đây là công đoạn khó nhất, đóng đinh sao cho thẳng, cho đều, cho nhanh, không dễ và đã nhiều lần anh đổ máu vì búa đóng chệch vào ngón tay phải băng vài tuần. Đóng đinh xong phải sơn, khô sơn rồi mới cuốn chỉ.

Làm tranh đinh chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó và dĩ nhiên khéo tay nữa. Thành làm thoăn thoắt, nhất là động tác quay, cột chỉ, tất cả có được nhờ “em có 10 hoa tay” và 2 năm kinh nghiệm chơi tranh. Ngoài đinh ra, việc chọn chỉ sao cho bền, chắc, còn phối màu lại phải có kiến thức cơ bản về màu sắc. Thành muốn dùng nhiều màu chỉ hơn nhưng chưa biết phối sao cho khỏi loạn, vì thế anh đang đi học lớp hội họa ngắn ngày để bổ sung kiến thức.

Bao giờ tranh “nuôi” chủ?

2 năm làm tranh nhưng thời gian đầu, Thành nghiên cứu kỹ cách làm và mầy mò làm thử,  gần đây mới làm số lượng nhiều hơn. Trước đó, Thành làm tranh tặng người thân, giờ thì có người đặt hàng do đọc báo biết. Thành bảo, trước đây không biết nói đâu, rồi sau được anh Đạt “cá” (nghệ sĩ Nguyễn Tấn Đạt chuyên làm cá 3D và làm món ăn bằng đất sét) có giới thiệu lên báo, rồi được thêm nhiều báo đài khác phỏng vấn nên giờ quen hơn.

Bức tranh tâm đắc nhất tới giờ của Thành chính là bức tranh tặng mẹ cỡ 40x40cm khá ấn tượng, không chỉ là những vector hình học mà ở giữa Thành sáng tạo lắp thêm mặt đồng hồ vào để tạo ra một chiếc đồng hồ tranh đinh chỉ. Bức tranh đinh chỉ Thành làm to nhất từ trước tới nay là cỡ 50x50cm nhưng anh tiến tới làm cỡ to hơn tối đa là 1,2mx2,4m. Và chủ đề Thành hướng tới cũng sẽ đa dạng hơn, không chỉ là những đường nét hình học đơn thuần, mà anh “vẽ” những bông hoa và đang nghiên cứu cho những chân dung con người bằng tranh đinh chỉ.

Một tác phẩm mới nhất Thành vừa làm xong là bức bông hồng màu xanh dương được làm bởi gần 1.200 cây đinh và đường đan chỉ, với 9 lớp đinh từ thấp lên cao. Hiện Thành vẫn đang tiếp cận thị trường và hy vọng trong tương lai gần, tranh đinh chỉ của anh sẽ bán tốt và khi đó, tranh sẽ “nuôi” người.

Thành là một chàng trai trẻ, sinh năm 1986, không bia rượu, chơi bời chỉ chí thú làm ăn. Hỏi Thành “đẹp trai, có tài, hẳn nhiều bạn gái, Thành có phải lo giữ mình không?”, nụ cười bừng sáng khuôn mặt Thành: Em chỉ có một “hotgirl” là vợ em thôi, cô ấy là giáo viên dạy Anh văn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn