MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm tại các làng xã ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Phan Thành

Chạy đua với thời gian để bảo tồn di sản tư liệu Hán Nôm tại Thừa Thiên - Huế

PHÚC ĐẠT LDO | 10/09/2024 08:00

Trước nguồn tài nguyên tư liệu di sản Hán Nôm đồ sộ, câu hỏi làm thế nào chạy đua với thời gian để kịp thời số hóa, bảo tồn các tài liệu nguyên gốc trước nguy cơ hư hỏng luôn là trăn trở của các nhà chuyên môn, nhà quản lý tại Thừa Thiên - Huế.

Gần 500.000 trang tài liệu được sưu tầm, số hóa

Di sản Hán Nôm từng được hình thành và lưu giữ trên vùng đất TT-Huế, chiếm khối lượng lớn nhất trong kho tàng tư liệu Hán Nôm của Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua những biến động lịch sử khốc liệt, tư liệu Hán Nôm Huế đã bị tản mát, một số bị hư hỏng nặng. Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn tư liệu Hán Nôm Huế, nhất là thư tịch Hán Nôm cung đình (kể cả Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn…) đã không còn ở Huế.

ThS Hoàng Thị Kim Oanh - Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các thể loại tư liệu Hán Nôm đang còn nằm rải rác trong nhân dân, trong đó có các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Đây là những tư liệu quý, hiếm có nhiều giá trị về lịch sử, nội dung và chất liệu.

Phần lớn các loại hình tư liệu này được người dân cũng như các dòng họ, tư gia, phủ đệ, tôn giáo, tín ngưỡng hết sức coi trọng, xem đó như là báu vật tinh thần và được bảo quản hết sức tôn nghiêm và cẩn trọng. Ngoài một số bị thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai...

Từ năm 2009 đến nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua nhiều năm dày công điền dã, khảo sát, các nhóm nghiên cứu đã tiến hành số hóa gần 500.000 trang tư liệu Hán Nôm ở 199 làng, 967 họ tộc và 19 phủ đệ, tư gia. Các tư liệu được số hóa gồm: Sắc phong, gia phả, văn tế, bằng cấp...

Riêng từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã điền dã, sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm tại 14 làng của 6 xã thuộc huyện Quảng Điền và huyện Phong Điền. Thực hiện số hóa hơn 8.500 trang tương ứng với 169 đầu tư liệu tại 14 làng với 35 họ tộc.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị còn nhiều khó khăn

TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin thêm, từ việc khai thác kết quả của công tác sưu tầm số hóa di sản Hán Nôm, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với các chuyên gia Hán Nôm tiến hành biên soạn, dịch thuật và in ấn một số công trình như: Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên - Huế; Sắc phong, chế phong, chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế”…

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo tồn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, những thống kê nêu trên vẫn đang còn khá khiêm tốn so với kho tàng tư liệu Hán Nôm vốn dĩ rất đồ sộ của Thừa Thiên - Huế.

Theo Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, quá trình khảo sát, sưu tầm số hóa tư liệu lưu giữ tại các dòng họ, tư gia, một số tài liệu bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các loại hình tài liệu như sắc, chế, chiếu, dụ và các loại gia phả gốc, các loại văn bản hành chính... gây khó khăn trong việc bước đầu xác định những thông tin cơ bản về tài liệu.

Việc bảo quản tài liệu của đa số dòng họ, tư gia còn thiếu bài bản, phương pháp bảo quản còn mang tính tâm linh, một số chủ sở hữu ngần ngại sợ mất mát, chưa hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo quản, phục chế tài liệu,

Bên cạnh đó, nhân lực trực tiếp phục vụ công tác sưu tầm, điền dã đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, cơ sở, nhất là đối với công tác thuyết phục, vận động để các chủ sở hữu đồng ý cho việc nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu để tạo tiền đề cho công tác số hóa.

Việc dịch thuật các nguồn tư liệu đòi hỏi người phải am hiểu về ngôn ngữ Hán Nôm cũng như hiểu biết về lịch sử, văn hóa, địa bàn của từng địa phương.

Theo TS Phan Thanh Hải, thời gian tới cần có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa Hán Nôm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản, bảo tàng, thư viện phải được đào tạo, trang bị kiến thức Hán Nôm ở một trình độ nhất định, để khi tiếp cận loại hình di sản này ít ra cũng phải đọc được nội dung cơ bản, nhận biết được giá trị của từng tư liệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn