MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng người dâng sao giải hạn tại một cổng chùa Hà Nội. Ảnh LDO

Chen lấn dâng sao giải hạn: Niềm tin tâm linh bị biến tướng, trục lợi

VƯƠNG TRẦN LDO | 18/02/2019 17:48
Nhà nghiên cứu văn hóa TS Nguyễn Ánh Hồng nhìn nhận: Hiện tượng dâng sao giải hạn đã bị thương mại hóa, bị trục lợi chứ không còn diễn ra theo ý nghĩa là cầu bình an, may mắn và cần có cái nhìn đúng đắn về việc này.

Mỗi dịp đầu xuân, tại các ngôi chùa trên khắp cả nước đều nghi ngút khói hương, đốt vàng mã, tấp nập người ra, kẻ vào để dâng sao giải hạn. Việc này thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Ánh Hồng nhìn nhận: Dưới góc nhìn văn hóa, việc bỏ nhiều tiền bạc, sắm sửa lễ vật cầu kỳ để dâng sao giải hạn là việc không nên. Mặt khác, việc dâng sao giải hạn được nhiều nhà chùa tổ chức, điều này chưa thật sự phù hợp bởi tại chùa không có chức năng này.

“Nhiều người cứ nghĩ dâng thật nhiều tiền bạc để đẩy lùi những rủi ro, gặp may mắn, để hóa hung thành cát, để hóa giải những tai ương nhưng đó không phải là quan điểm của Đạo Phật. Nếu có chăng thì đó là quan điểm của Đạo Giáo. Còn Phật giáo thì người ta tin vào luật nhân quả. Nếu dùng tiền bạc mà xóa đi được những rủi ro, hóa giải được cát hung thì bao nhiêu cho đủ” – TS Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Theo TS Hồng, hiện tượng dâng sao giải hạn bây giờ đã bị thương mại hóa, bị trục lợi chứ không còn diễn ra theo ý nghĩa là cầu bình an, may mắn. Bây giờ niềm tin tâm linh của con người đang bị lạm dụng, bị biến tướng và chúng ta phải nhìn nhận đúng về việc này. Cách giải hạn tốt nhất đó là giải hạn từ trong tâm.

Bày tỏ quan điểm về việc đi lễ của nhiều người hiện nay, Trưởng khoa Văn hóa phát triển Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những hình ảnh như dòng người chen chúc sờ tay vào tượng lấy may, “nhét” tiền vào tay tượng Phật giống như việc họ đang “hối lộ thánh thần”.

TS Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ: “Người ta quên mất rằng, của cho không bằng cách cho. Việc hành xử này cũng phải chấn chỉnh lại. Đi lễ quan trọng nhất đó là tấm lòng thành kính. Quan niệm của việc đi chùa đó là là “tâm xuất, Phật chứng”. Không cần phải mâm cao, cỗ đầy, lễ vật cầu kỳ mà là tấm lòng thành tâm, hướng thiện và sau đó là làm thật nhiều việc tốt là tốt nhất. Đó mới là cách giải hạn tốt nhất trong lòng mình”.

*Chỉ có sống tốt mới mang lại điều tốt đẹp trong cuộc sống

"Không có một việc làm cúng bái nào có thể hóa giải được những cái xấu, cái ngẫu nhiên xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Chỉ có con người sống tốt, có đạo đức, nhân hậu mới đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống" - TS Nguyễn Ánh Hồng.

*Một nén nhang lòng còn hơn cả mâm cao, cỗ đầy

“Cần phải nhận thức được một cách đúng đắn rằng, với những người hành hương đi lễ thì niềm tin tâm linh là điều rất quan trọng. Một nén nhang lòng còn hơn cả mâm cao, cỗ đầy, lấy vật chất, lễ lạt, lễ vật như để khoán ước với thần linh” - GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn