MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về "phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững" được tổ chức tại chùa Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: Diệu Anh

Chia sẻ kinh nghiệm và tìm giải pháp để phát huy danh hiệu UNESCO

DIỆU ANH LDO | 03/07/2023 13:49

Ninh Bình - Ngày 3.7, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị quốc tế về "phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững".

Tại hội nghị, các chuyên gia quốc tế và đại diện 32 địa phương có di sản được UNESCO công nhận của Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp để làm sao phát huy được danh hiệu UNESCO từ các di sản.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Diệu Anh

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết Việt Nam xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

"Dân tộc Việt Nam văn hiến với lịch sử bốn ngàn năm luôn nhận thức rõ và coi việc giữ gìn, phát huy các di sản, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên là tri ân truyền thống, bảo đảm quyền phát triển của các thế hệ tương lai", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế. Ảnh: Diệu Anh

Các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, bảo tồn các di sản. Các di sản thế giới được quan tâm tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp, được kiểm kê, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, phát huy giá trị; các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương đã cùng nhau tham gia bảo vệ di sản văn hóa cũng như chia sẻ những lợi ích đem lại từ di sản, tạo ra sự gắn kết xã hội bền vững".

Bằng chứng là các di sản văn hóa của Việt Nam sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu ví dụ trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các di sản thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 18,2 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỉ đồng.

Hay mới đây (tháng 4.2023), trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) đã thu hút khoảng 8 triệu du khách đến với tỉnh Phú Thọ. Đó là những minh chứng cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng trong bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.

Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp để làm sao phát huy được danh hiệu UNESCO từ các di sản. Ảnh: Diệu Anh

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các tỉnh, thành có di sản được UNESCO công nhận đã cùng nhau chia sẻ về thực tiễn phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tiếp đó, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, như: Ủy ban Quốc gia UNESCO Vương quốc Anh; Viện học tập suốt đời UNESCO; Ban Di sản tư liệu của UNESCO; Ủy ban quốc gia UNESCO Thái Lan... đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững của các di sản trên thế giới. Các đại biểu cũng đã bàn về giải pháp huy động nguồn lực trong phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn