MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiếc bánh răng bừa và tấm lòng người xứ Thanh

Đinh Thành Trung LDO | 24/09/2019 06:46

Tác giả bài viết tham gia cuộc thi viết "Mãi mãi một tình yêu Thanh Hóa" là Đinh Thành Trung- đang công tác tại Ban Kinh tế Trung ương. Anh không sinh ra, lớn lên ở Thanh Hoá nhưng nhiều lần đến vùng đất này, anh cảm nhận được cái tình của người xứ Thanh mộc mạc mà sâu lắng, trọn nghĩa vẹn tình. Trân trọng giới thiệu bài viết của anh về "chiếc bánh răng bừa và tình người xứ Thanh" (Nhà báo Lâm Chí Công - Trưởng Văn phòng đại diện báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi).

Mỗi dịp tết đến, xuân về, những thứ quà đặc sắc của các vùng miền trên cả nước lại xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn của chúng ta. Với tôi, loại bánh răng bừa bình dị xứ Thanh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chính vì những món ăn dân gian bình dị như thế, tâm hồn của chúng ta được nuôi dưỡng để rồi giờ đây tràn ngập tình yêu quê hương, đất nước.

 Bánh răng bừa - một đặc sản của Thanh Hoá. Ảnh: Thanhhoaplus.net

Nhớ mùa xuân cách đây hơn hai năm, tôi có dịp thưởng thức bánh răng bừa khi lưu lại Thanh Hóa. Đến giữa bữa, bà chủ nhà bưng ra mấy đĩa bánh xanh mướt. Hỏi bánh gì, bà chỉ cười hiền bảo: "Bánh đặc sản đất Thanh Hoá này đấy, chú ăn đi xem tôi làm có ngon không". Cảm cái tình của bà, lại đang đói, tôi đã ăn hết ngay 3,4 cái.

Vậy đó, nhiều khi con người ta ăn hay uống một thứ gì đó thì có thể cảm nhận được cái tình của người làm ra nó. Đất Thanh Hóa nhiều vùng quê có đồng lúa rộng cánh cò bay, người nông dân tuy chân lấm tay bùn nhưng vẫn lấy cả tấm lòng ra đãi khách.

Thoạt trông, những chiếc bánh này nhỏ nhắn quá, tạo cảm giác như có thể ăn ngay. Không giống với các loại bánh ở nơi khác, bánh răng bừa không làm thực khách ngán, màu xanh dịu của lá dong gói bánh toát lên vẻ bình dị của một vùng quê đầm ấm.

Ngồi nhấp vài ngụm trà nóng. Ăn miếng bánh răng bừa mới thấy niềm vui trong đời người đôi lúc chỉ cần đơn giản vậy thôi. Thời nay con người sống gấp quá, lúc nào cũng quay cuồng trong cơn bão cơm áo gạo tiền. Có khi dừng lại ngẫm nghĩ thì thấy sao mình già nhanh thế. Lắm lúc tôi thấy thèm cuộc sống gắn bó với ruộng đồng, khi đã lâu chỉ sống trong thành phố, hít khói bụi, sống bon chen.

 Người xứ Thanh gói bánh răng bừa như gói cả tâm tình vào đó. 

Nhìn những chiếc bánh răng bừa bằng ngón tay trỏ, như những chiếc răng bừa xinh xắn được xếp trên đĩa gợi lại cho tôi cảm giác thân thuộc, bình dị ấy. Thứ đặc sản tưởng như chỉ là miếng ăn chống đói cho những người nông dân sau một ngày vất vả lại ngon đến không ngờ. Dù nguyên liệu sẵn có nhưng để kết hợp lại thành đủ vị trong một chiếc bánh thì quả không phải đơn giản.

Anh bạn người Thanh Hóa kể với tôi rằng, trông đơn giản thế thôi chứ bánh răng bừa này ngày xưa đã là đồ để tiến vua đấy. Nhà vua có thể đã thưởng thức nhiều món sơn hào hải vị nhưng người xứ Thanh vẫn tự tin đưa món quà quê này lên dâng vua ăn vì họ tin rằng bánh rất ngon. Hơn thế nữa, người Thanh Hoá vốn có truyền thống cần cù trong lao động, vì thế ngay cả khi loại bánh bình dân cũng được chế biến tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Chiếc bánh nhỏ xinh như chứa đựng cả tâm hồn của người xứ Thanh. Tôi nhớ lại một lần về Thanh Hoá trao tặng nhà tình nghĩa. Bữa ăn có thịt, có cá nhưng không hiểu sao mọi người thích mê những chiếc bánh răng bừa nóng hổi đến nỗi ai cũng vừa thổi vừa ăn. Thời buổi dân thành thị ngán những bữa ăn giàu đạm thì một vài chiếc bánh răng bừa nhỏ đã là đủ duy trì sức khỏe cho một ngày làm việc mệt nhọc.

Bánh răng bừa không chỉ là thức quà mà còn là niềm tự hào văn hoá xứ Thanh.

Trong cuộc sống, vật nào cũng chứa đựng ý nghĩa. Với món đặc sản xứ Thanh này, bài học cho tôi là dù chỉ một món đơn sơ, hay bất cứ công việc dù nhỏ đến đâu cũng cần làm cẩn thận, tỉ mỉ bằng cả tấm lòng thì thành quả của mình sẽ được người khác công nhận, yêu mến. Cuộc sống chốn thị thành đã làm tôi gai góc hơn, toan tính hơn, nhiều lúc chỉ biết nghi ngờ khi nhìn người khác. Đâu như chiếc bánh răng bừa kia được chắt chiu từng tấm lá, hạt gạo, đâu như bà cụ nhà chỉ có ít bánh nhưng vẫn đem cả ra mời khách?

Người xứ Thanh, dù đi đâu đó thì cũng trọn nghĩa, vẹn tình. Trọn nghĩa với anh em, bè bạn, vẹn tình với quê hương bản quán. Những dịp lễ tết, bao giờ người Thanh Hoá cũng cố gắng làm bánh răng bừa như một cách gợi nhớ về quê hương và nhắc nhở con trẻ không bao giờ được quên nguồn cội. Nhịp sống hối hả, kinh tế hội nhập nhưng bản sắc văn hóa quê hương là thứ mãi trường tồn với thời gian, như tấm lòng vẹn nguyên trong từng chiếc bánh răng bừa Thanh Hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn