MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiếc mõ “xuyên Việt” trong ngôi chùa độc đáo ở TP Sa Đéc

Lục Tùng LDO | 12/02/2024 14:00

Phước Hưng tự (TP Sa Đéc - Đồng Tháp) không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa cổ, mà còn bởi nơi đây lưu giữ nhiều pháp bảo, trong đó có chiếc mõ cổ với sự tích hiếm thấy.

Hơn cả độc lạ

Rrong thành phố nho nhỏ Sa Đéc có đến trên 50 ngôi già lam. Trong đó phần lớn có tuổi đời hàng chục, thậm chí lên đến trăm năm tuổi.

Phước Hưng tự bằng chữ Hán. Ảnh: Lục Tùng

Trong số những ngôi chùa cổ xưa đó, có một nơi được nhiều người dừng chân ghé thăm, đó là chùa Phước Hưng (Phước Hưng tự). Ngoài yếu tố thuận tiện nằm ngay trên đường Hùng Vương, con đường chính đẹp nhất giữa lòng phố thị Sa Đéc, nơi đây còn thu hút phật tử, du khách bởi sự cổ kính với tuổi đời gần 200 năm.

Bên ngoài ngôi chùa Phước Hưng, dân gian quen gọi là chùa Hương, đã có sự độc lạ so với các ngôi chùa theo dòng Bắc truyền. Ảnh: Lục Tùng

Thượng tọa Thích Chơn Trí - trụ trì nhà chùa cho biết, theo lưu truyền, năm 1838, thiền sư Thích Minh Phước "khai sơn tạo tự" ngôi già lam này. Nhưng đến khoảng năm 1846, thì cái tên Phước Hưng tự xuất hiện tên gọi mới và đi vào lòng người suốt hơn thế kỷ qua. Theo nhiều sử liệu chính thống của nhà chùa và địa phương chí, vào thời gian này, chùa Minh Hương di dời rồi sáp nhập với Phước Hưng tự. Và chùa có thêm danh xưng "Chùa Hương".

Trên nóc chùa, nhiều hạng mục được trang trí bằng miểng chén kiểu. Ảnh: Lục Tùng

Có lẽ chính vì sự hội nhập này mà chùa Hương có nhiều nét độc lạ so với nhiều ngôi già lam theo dòng Bắc truyền (Bắc tông) cả về kiến trúc, lối bày trí… Chánh điện hình hơi vuông (19 x 14m). Trên nóc trang trí đắp miểng chén kiểu hình long, lân, quy, phụng, voi, khỉ... Chót mái chùa lại lơi ra mà không quá nhọn và cao vút. Đây là những điểm khác biệt so với các chùa cổ ở Việt Nam khi chánh điện được thiết kế dạng hình chữ nhật, thường trang trí rồng phụng, chót mái uốn cong.

Độc lạ chiếc mõ “xuyên Việt”

Sau nhiều lần trùng tu, năm 1882 Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì đời thứ 2 đại trùng tu chánh điện và tồn tại đến nay. Trong chánh điện có nhiều bộ Tam Thánh (gồm Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí). Trong hai tượng A Di Đà có một tượng bằng đất sét thếp vàng năm 1838, không nung nhưng vẫn chắc chắn cho tới ngày nay.

Mái chùa được mềm mại hóa bằng hình ảnh hoa sen cách điệu. Ảnh: Lục Tùng

Các tượng gỗ như Chuẩn Đề, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Tiêu Diện Đại sĩ, Thiện Hữu (tiền thân Phật Thích Ca), Ác Hữu (tiền thân Đề Bà Đạt Đa), Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu và một tượng Hộ Pháp bằng đồng, đều làm năm 1838.

Đặc biệt nhất có lẽ là chiếc mõ tụng kinh trên bàn thờ Tổ.

Thượng tọa Thích Chơn Trí- trụ trì Phước Hưng tự bên chiếc mõ “xuyên Việt“. Ảnh: Lục Tùng

Mõ được chế tác bằng gỗ quý, chạm khắc tinh xảo hình song ngư, ngoài trọng lượng lớn hiếm thấy (khoảng 15kg), chiếc mõ còn có lai lịch độc lạ với hành trình xuyên Việt. Do được làm từ gỗ dầy và to nên chiếc mõ phát ra âm thanh rất vang. Theo Thượng tọa Thích Chơn Trí, chiếc mõ được Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng (1881-1963), trụ trì đời thứ 4, cung thỉnh từ miền Bắc về cách đây gần 90 năm. Chuyện bắt đầu vào năm 1938, để kỷ niệm 100 năm thành lập chùa, ngài phát nguyện bách bộ hành hương ra tận đất Bắc, chiêm bái danh lam thánh tích.

Cận cảnh chiếc mõ “xuyên Việt” được đặt tại chánh điện ngôi chùa. Ảnh: Lâm Điền

Khi về, ngài đến Tổ đình Thiên Phúc tự (chùa Thầy, Hà Nội), chiêm bái và phát tâm thỉnh một chiếc mõ. Sau đó ngài đội chiếc mõ trên đầu bách bộ về. Trên hành trình "xuyên Việt" vạn dặm đó, mỗi bước chân ngài lại niệm Phật cho đến khi trở lại chùa. Với sự tích đó, chiếc mõ được tăng chúng và phật tử gần xa xem như pháp bảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn