MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc đầu máy được tìm thấy trong quá trình nạo vét cảng hiện được lưu giữ tại khuôn viên Công ty than Mạo Khê, thị xã Đông Triều. Ảnh: Nguyễn Hùng

Chiêm ngưỡng chiếc đầu máy tàu hỏa của Pháp được tìm thấy khi nạo vét cảng

Nguyễn Hùng LDO | 25/01/2023 17:37

Quảng Ninh - Chiếc đầu máy tàu hỏa chạy bằng hơi nước từng được người Pháp sử dụng để vận chuyển than hiện được lưu giữ tại Công ty than Mạo Khê, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chiếc đầu máy này còn có một giá trị lịch sử đặc biệt.

Trong khuôn viên của Công ty than Mạo Khê, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), có một đầu máy xe lửa khá cũ. Đây được coi là chiếc đầu máy tàu hỏa chạy bằng hơi nước hiếm hoi còn được lưu giữ trong ngành Than.

Số phận của chiếc đầu máy này cũng khá đặc biệt. Khoảng năm 2001, trong một lần nạo vét đường ra vào cảng, nhóm nạo vét đã phát hiện một đầu máy xe lửa. Sau khi trục vớt lên và được xác định đây là chiếc đầu máy có gắn liền với phong trào đấu tranh của công nhân vùng Than thì chiếc đầu máy được lãnh đạo Công ty Than Mạo Khê lúc bấy giờ đưa về công ty.

Chiếc đầu máy số 4 này gắn với sự kiện lịch sử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Qua xác minh thì đây là chiếc đầu máy được người Pháp sử dụng để vận chuyển than từ nhà máy sàng mỏ Mạo Khê ra cảng Bến Cân cách đó khoảng 4km. Đặc biệt, ngày 7.11.1929, đầu tàu hỏa hơi nước mang số hiệu 4 này được cắm cờ đỏ búa liềm chạy từ ga nhà sàng Mạo Khê ra cảng Bến Cân để hưởng ứng kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga.

Trong cuốn “Lịch sử công nhân than Việt Nam”, tập 1 của tác giả Hoàng Tuấn Dương - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh - cũng có nhắc tới sự kiện này.

Cụ thể, “ở Mạo Khê vào tối 6 rạng sáng 7 tháng 11 năm 1929, cờ đỏ búa liềm được treo trên cột điện giữa phố. Chiều 7, vào lúc chợ vừa tan, đồng chí Bùi Văn Mao - một đảng viên của Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng) làm thợ ở xưởng cơ khí - đã lái chiếc đầu tàu kéo than số 4, trên có cắm lá cờ đỏ búa liềm, hai bên có giàn biểu ngữ chào mừng Cách mạng Tháng 10 Nga, chạy từ lò Bê - xanh ra cảng trên đoạn đường dài 3km”.

Thời kỳ đó, các đầu máy này chỉ kéo theo phía sau là các goòng nhỏ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cũng theo tác giả Hoàng Tuấn Dương, đến ngày 30.10.1954, mỏ than Mạo Khê mới được giải phóng. Tuy nhiên, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở mỏ than Mạo Khê, ta đã phá không cho chủ mỏ người Pháp khai thác than. Nhà máy cơ khí, nhà máy điện, nhà sáng và nhiều cửa lò đều bị du kích, công nhân đánh hỏng, đánh sập. Đến ngày hòa bình lập lại, mỏ than Mạo Khê trở nên hoang tàn, lau sậy lút đầu.

Tháng 12.1954, Ban khôi phục mỏ Mạo Khê được thành lập. Cùng với việc sản xuất, thu gom than từ tháng 2.1955 thì bắt đầu khôi phục tuyến đường sắt từ Gioóc-đan (55) ra Bến Cân. Toàn bộ cán bộ, công nhân động viên nhau đi thu nhặt đường ray mang về chắp nối, lắp ráp lại. Chỉ sau 3 tháng, đã hoàn thành tuyến đường sắt vận chuyển than từ mỏ ra bến…

Theo những người làm việc trong ngành Than tại Quảng Ninh, trước đây, có khá nhiều các đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước. Sau này, do tình hình khai thác có nhiều thay đổi, các loại đầu máy này không được dùng. Nhiều ý kiến đề xuất nên giữ lại các đầu máy này nhưng đã không được lắng nghe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn