MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trong phim “Hai Phượng”. Ảnh: CMH

Chiếu phim trên không gian mạng cần tiêu chí rõ ràng

Hải Minh LDO | 30/10/2021 06:19

Khoảng 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với làn sóng kỹ thuật số phổ cập toàn bộ ngành Điện ảnh, các nền tảng phân phối phim trực tuyến trở nên phổ biến rộng rãi trên không gian mạng. Từ đó, vấn đề vi phạm bản quyền, những bộ phim nội dung chưa chất lượng… bắt đầu xuất hiện, tiếp cận khán giả.

Hậu kiểm, phân loại phim

Hôm 28.10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong đó, đề cập đến 3 hình thức phổ biến phim, nhất là hình thức phổ biến phim trên không gian mạng. Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc phổ biến phim trên không gian mạng dù đã quy định tại Điều 22 nhưng vẫn có một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phổ biến trên không gian mạng là quá lớn. “Vì thế rất khó cho công tác tiền kiểm nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc, hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu” - đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nói.

Trước đó, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 23.10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đối với vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đa số ý kiến cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Điều luật phục vụ thực tiễn

Trao đổi với Lao Động, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, không chỉ riêng khán giả Việt Nam mà khán giả trên toàn thế giới có thể tiếp cận với không gian mạng. Có thể nói, đây là điều bất công cho phim chiếu rạp vì khán giả không tiếp cận được nội dung ở chỗ này, họ sẽ tiếp cận nội dung được ở chỗ khác qua không gian mạng. Nếu như khắt khe với phim chiếu rạp thì buộc khán giả phải tiếp cận phim ở không gian khác. 

Đạo diễn Charlie Nguyễn nói: “Theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây là việc tiếp cận của khán giả, không phải vấn đề là chiếu ở đâu. Về nội dung, chúng ta phải lấy ý kiến từ khán giả bởi chính khán giả mới biết điều gì là tốt cho cuộc sống của họ, bộ phim nào có giá trị giải trí, khán giả sẽ cảm nhận được”.

Về vấn đề quản lý, kiểm soát phim trên không gian mạng, đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ quan điểm, đầu tiên là không thể kiểm soát được hết những bộ phim chiếu trên không gian mạng vì có nhiều trang phim lậu. Không chỉ riêng trong nước mà trên thế giới cũng có không ít trang phim chiếu lậu. Các cơ quan quản lý hay các đơn vị làm phim đã tiền kiểm, hậu kiểm chặt chẽ nhưng không hiệu quả. 

Tiếp theo, tại nhiều quốc gia, tất cả các phim khi phát hành đều được kiểm tra và phân loại theo từng độ tuổi. Và trước khi đến với khán giả, bộ phim đó sẽ được dán nhãn độ tuổi. Sau đó, bộ phim mới có thể phát hành phổ biến trên các kênh. 

Là một diễn viên, một nhà sản xuất đã và đang tham gia thị trường phim Việt nhiều năm, diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết, để những bộ phim chiếu trên không gian mạng được chất lượng hơn, các nhà sản xuất phim, cơ quan quản lý cần phải siết chặt nội dung phim, đề tài của phim Việt phải đồng bộ. Bởi nếu phim Việt bị cấm quá nhiều, khán giả sẽ lên mạng xem phim nước ngoài và tìm những bộ phim chứa nội dung bị cấm ở trong nước. 

Diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng nói thêm, các điều luật phải phục vụ thực tiễn và có tính hợp lý để các nhà sản xuất phim có thể thực thi hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn