MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự kiện Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 tại Huế. Ảnh: Phúc Đạt

Chờ bước chuyển mình của văn hóa đọc

Mi Lan LDO | 12/07/2023 10:03

Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kì 2023-2028 diễn ra hôm nay (12.7) tại Hà Nội. Câu chuyện đổi mới văn hóa đọc, phát triển ngành xuất bản, lan tỏa tình yêu sách đến mỗi nhà... vẫn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Văn hóa đọc nhìn từ những thư viện trống vắng

Có thời, không gian im ắng, vắng vẻ ở các thư viện tại Hà Nội được ví như “chùa bà Đanh”, như “thung lũng hoang vắng” (tên một bộ phim của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang). Người Việt ngày càng ít đọc sách. Câu chuyện chấn hưng văn hóa đọc trở nên bức thiết sau mỗi kì Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam.

Theo một khảo sát quốc tế công bố năm 2016, người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực: Trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần. Người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Nếu không tính sách giáo khoa, giáo trình, mỗi năm một người Việt Nam đọc bình quân khoảng 1 cuốn sách. 80% người Việt ở độ tuổi 20 - 30 không đọc sách trong suốt một năm.

Và, giới chuyên gia đã phải vào cuộc phân tích, nhận định, tìm ra lí do vì sao người Việt lười đọc sách.

Lịch sử hình thành, đặc thù kinh tế nông nghiệp, phải lo toan đánh giặc, bươn chải ruộng đồng... được đưa vào như những lí do chính để biện minh cho việc người Việt không mê sách, không có thói quen đọc sách.

Thế nhưng, đất nước bước vào kinh tế thị trường, mở cửa phát triển, hội nhập với thế giới đã nhiều thập kỷ, việc tiếp tục lười đọc sẽ trở thành một hạn chế của người Việt.

Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản khóa IV nhiệm kì 2017-2023 đánh giá tình hình khó khăn của ngành xuất bản giữa bối cảnh văn hóa đọc còn nhiều nan giải như “cõng chữ lên non”.

Tính đến năm 2017, sách chỉ mới đến được với cư dân thành thị, tập trung ở các thành phố lớn, hơn 70% dân số ở nông thôn, miền núi hầu như không có điều kiện tiếp cận với sách.

Ở hầu hết các xã, huyện vùng nông thôn, miền núi, hệ thống phát hành sách, hệ thống thư viện gần như không phát huy tác dụng.

Khi tỉ lệ người Việt đọc sách còn thấp, văn hóa đọc không được đề cao, hệ thống phát hành sách nhiều tồn đọng... đã kéo theo muôn vàn khó khăn khác cho thị trường xuất bản.

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản, Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam - từng chia sẻ, có những nhà xuất bản chỉ in lần đầu cho một đầu sách là 2.000 bản. Có cuốn bán 2 năm chưa hết. Sách tồn gây thua lỗ nặng nề cho các nhà xuất bản.

Và cú chuyển mình

Năm 2018, thị trường phát hành sách đã cho thấy những dấu hiệu tích cực khi số lượng sách được phát hành ngày càng tăng trưởng. Trong năm 2018, 300 triệu bản in với gần 20.000 đầu sách.

Theo đó, thể loại sách, đề tài, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng. Thị trường sách có giai đoạn phát triển rầm rộ với những cuốn triệu bản.

Ngày sách Việt Nam được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, nhằm tuyên truyền, lan tỏa không khí đọc đến từng ngõ phố, từng người dân.

Loạt truyện của tác giả Nguyễn Nhật Ánh từng “gây bão” trên thị trường sau cú hích của những bộ phim chuyển thể như: Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua.

Lực lượng 60 nhà xuất bản ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc tiếp cận độc giả, nắm bắt thị hiếu đọc, nắm bắt “tầm ngắm” của thị trường, từ đó đưa vào sản xuất, phát hành tạo nên sự sôi động, tăng trưởng tích cực.

Chính sự nhạy bén, năng động của các nhà xuất bản đã giúp thị trường sách như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông kéo dài.

Hội Xuất bản Việt Nam cho thấy sự nỗ lực xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền, lan tỏa văn hóa đọc, hướng tới nhiều đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên đến sinh viên, người lao động... Hội tạo nên những chương trình sôi động, liên kết với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tạo ra những chương trình tặng sách, hội chợ sách, từ đó hướng tới mục tiêu khuyến đọc.

Do đó, ở nhiệm kì V của Hội Xuất bản Việt Nam, nhiệm vụ đổi mới văn hóa đọc, phát triển ngành xuất bản, lan tỏa tình yêu sách đến mỗi nhà... trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cầu nối đưa mỗi chúng ta bước ra thế giới chính là sách. Vai trò của sách ngày càng lớn khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão khắp toàn cầu. Hơn bao giờ hết, mỗi người Việt cần yêu đọc, yêu sách nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên hành trình trở thành công dân toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn