MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhận xét của nhạc sĩ Vinh Sử về “giám khảo” Hoài Linh vẫn đang nóng trên dư luận (nguồn ảnh: ngoisao.vn).

Chọn giám khảo gameshow: Khi rating... là “thượng đế”!

THẾ LÂM LDO | 19/07/2017 11:00
Nhận xét của nhạc sĩ Vinh Sử về nghệ sĩ hài Hoài Linh rằng “biết gì về bolero mà làm giám khảo” được nhiều độc giả cho là “đúng” và tất nhiên cũng không ít người phản bác. Nhưng từ vụ việc này nhìn ra vấn đề: Có 3 bên sẽ tác động, thậm chí quyết định đến tình trạng loạn giám khảo gameshow hiện nay.

Nhạc sĩ Vinh Sử đã chỉ ra đúng bản chất vấn đề: Không ít gameshow trên truyền hình hiện nay và các cuộc thi về dòng nhạc bolero không hề chuyên nghiệp; nhà sản xuất muốn tăng rating để tăng nguồn thu quảng cáo nên mời những nghệ sĩ ăn khách làm giám khảo cho dù chuyên môn không liên quan đến lĩnh vực được cầm cân nảy mực.

Khách quan mà nói, Hoài Linh là một nghệ sĩ có tài trong lĩnh vực của anh, là một gương mặt hot trên sân khấu biểu diễn và phim ảnh. Nhưng Hoài Linh nói riêng và nghệ sĩ nói chung (và cả các lĩnh vực khoa học, xã hội…) không thể “biết tuốt” mọi thứ. Một cuộc thi âm nhạc chính thống, chắc chắn Hoài Linh dù tài năng cỡ mấy cũng không có “cửa”. Nhưng gameshow là giải trí, thí sinh ngoài thi thố khả năng còn cần những yếu tố khác và giám khảo cũng vậy, yếu tố quan trọng nhất là “câu” được nhiều người xem cho nhà sản xuất, hay nói chính xác nhất là nhà đầu tư, vì việc này luôn tỉ lệ thuận với doanh thu và lợi nhuận (hầu hết là các Cty truyền thông, sản xuất chương trình, giải trí…).

Có những lời bênh vực một Hoài Linh đang rất có uy trong giới showbiz Việt hiện nay của ca sĩ Dương Triệu Vũ hay nhạc sĩ Đức Huy. Vấn đề là, người nghệ sĩ có lòng tự trọng và sĩ diện cao phải luôn biết ranh giới và cảnh giác với “phía bên kia lằn ranh” là những lời mời mọc cátsê cao hay hào quang phù phiếm. Đó cũng là sự tự giác ngộ giới hạn để tôn trọng khán giả vậy.

Bên thứ hai là nhà sản xuất/nhà đầu tư/các Cty truyền thông, sản xuất chương trình giải trí. Một cuộc thi âm nhạc với giám khảo là một biên tập viên truyền hình không chuyên về âm nhạc. Một gameshow thi thố hát hò với thí sinh là một ca sĩ đã có tên tuổi lại được “khảo” bởi một diễn viên kịch… Tất nhiên những cuộc thi gameshow như vậy không mấy ai nghĩ rằng sẽ tạo ra những chuẩn mực về chuyên môn âm nhạc, mà là một cuộc chơi cho vui, nhưng quá nhiều, lặp đi lặp lại, thành “loạn giám khảo”, thì đã trở thành vấn đề. Sẽ rất khó mong chờ nhà sản xuất/nhà đầu tư điều chỉnh vì như thế đồng nghĩa với việc họ tự bóp vào hầu bao lợi lộc của mình. Đây không phải lần đầu dư luận xôn xao về các vấn đề của gameshow truyền hình mà suốt nhiều năm qua đã có nhiều vụ việc xảy ra khiến dư luận bức xúc.

Vấn đề là các nhà đài phải “dám” điều tiết/điều phối trong thẩm quyền của mình. Nhưng đáng tiếc là lâu nay hầu như nhà đài chỉ điều chỉnh sau khi xảy ra vấn đề chứ không đi trước một bước. Trường hợp đài Vĩnh Long loại Trấn Thành cách đây chưa lâu được xem là hiếm hoi và được dư luận đồng tình, ủng hộ. Nhưng liệu có nhiều nhà đài “dám” làm điều này không, vì nhiều lẽ: Thứ nhất có thể là sự “mắc mớ” trong hợp đồng vốn không lường hết các tình huống và không đủ chặt chẽ. Thứ hai là không ít nhà đài đang phải sống dựa vào nguồn thu mang về từ các Cty truyền thông/nhà sản xuất chương trình. Và thứ ba, nhà đài có cắm người giám sát chặt trong quá trình chương trình được sản xuất, biên tập.

Suy cho cùng, các nhà đài cũng phải “sống” bằng rating. Nhưng rõ ràng là có nhiều luồng rating khác nhau. Một khi để cho những luồng rating hài nhảm, loạn giám khảo gameshow… lấn át thì chắc chắn sẽ gây ra sự bức xúc trong dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn