MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng chỉ IELTS và những chuyện bi hài về tiếng Anh ở các cuộc thi hoa hậu

Mi Lan LDO | 11/11/2022 14:25
Khi tiếng Anh và chứng chỉ IELTS trở nên tối quan trọng ở các cuộc thi sắc đẹp đã gây ra muôn chuyện bi hài.

Màn hô tên gây sốc của Miss Grand Vietnam 2022

Tháng 9, ngay sau đêm thi bán kết của Miss Grand Vietnam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, những màn hô tên của các thí sinh được chia sẻ rầm rộ. Theo đó, cách đọc, cách phát âm từ “Miss Grand” thành “Mít Gờ Ren” của số đông thí sinh dự thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam cộng thêm động tác hình thể gây cười đã biến màn hô tên trở thành trò lố, bị chế giễu khắp mạng xã hội.

Thí sinh Hoa hậu Hòa bình Việt Nam bị chê về khả năng ngoại ngữ khi đọc Miss Grand là “Mít Ren“, “Mít Gờ Ren“... Ảnh: CMH

Nhiều khán giả bình luận, đây là lần đầu tiên họ thấy thí sinh hoa hậu thi sắc đẹp theo phong cách tấu hài. Vừa hú hét giới thiệu tên địa phương, vừa phát âm sai ngữ điệu tiếng Anh, khiến các thí sinh Miss Grand Vietnam bị chỉ trích về sự làm lố, kém ngoại ngữ.

Tại đêm chung kết Miss Grand Vietnam 2022, phần hô tên đã được tiết chế nhưng vẫn nhận chỉ trích, đặc biệt cách đọc “Miss Grand” gây cười của các thí sinh hoa hậu.

Những màn ứng xử song ngữ bị chê thảm họa

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có kịch bản tiệm cận gần nhất với tiêu chí của Miss Universe. Trong suốt quá trình thi, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đặt ra liên tục những thử thích về thuyết trình, ứng xử, tranh luận bằng tiếng Anh. Việc đề cao tiếng Anh ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam khiến nhiều thí sinh dở khóc dở cười.

Tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, 41 thí sinh lọt vào chung kết cuộc thi còn phải trải qua vòng phỏng vấn kín bằng tiếng Anh với ba giám khảo quốc tế, gồm Natalie Glebova (Miss Universe 2005), Catriona Gray (Miss Universe 2018), Harnaaz Sandhu (Miss Universe 2021).

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đề cao tiếng Anh với những màn ứng xử song ngữ, hùng biện và tranh luận bằng tiếng Anh. Ảnh: BTC

Việc đòi hỏi quá cao về kỹ năng tiếng Anh khiến nhiều thí sinh đuối sức. Trong đó, những cái tên được đánh giá cao như Hương Ly, Lệ Nam tụt dốc vì khả năng ngoại ngữ kém.

Trong đêm chung kết, khi phải ứng xử song ngữ bằng 2 ngôn ngữ, Hương Ly và Lệ Nam đã có những màn ứng xử thảm họa khi sử dụng tiếng Anh. Khả năng tiếng Anh tệ cũng khiến 2 thí sinh này phải dừng sớm.

Sau đêm chung kết, màn ứng xử tiếng Anh kém của Lệ Nam, Hương Ly còn được chia sẻ khắp mạng xã hội, kèm theo nhiều chỉ trích.

Tranh cãi về sự sính ngoại

Năm 2018, khi lọt vào đến top 5 Miss Universe, người đẹp H'Hen Niê quyết định ứng xử bằng tiếng Việt. H’Hen Niê cho biết cô muốn sử dụng tiếng Việt vì thông qua phiên dịch viên, thông điệp của cô sẽ được truyền đạt rõ ràng và đủ ý hơn.

Nhiều thí sinh đến từ quốc gia khác khi bước vào phần thi ứng xử ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế cũng lựa chọn ngôn ngữ mẹ đẻ. Iris Mittenaere - thí sinh đăng quang Miss Universe 2016 - dù rất giỏi tiếng Anh nhưng vẫn chọn ứng xử bằng tiếng mẹ đẻ để giữ tâm lý thoải mái.

Câu hỏi đặt ra, tiếng Anh có phải là “gánh nặng” với các thí sinh khi đi thi hoa hậu? Trong 5 năm trở lại đây, chứng chỉ IELTS và kỹ năng tiếng Anh đã trở nên “không thể thiếu” với những thí sinh muốn tiến xa ở các cuộc thi nhan sắc.

Có ý kiến cho rằng, khi quá đề cao chứng chỉ IELTS và khả năng tiếng Anh, một cuộc thi sắc đẹp thuần Việt trở nên “sính ngoại”, đến mức top 2 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 trả lời về bản sắc dân tộc cũng phải dùng tiếng Anh.

Tiếng Anh ngày càng được đề cao ở các cuộc thi hoa hậu. Ảnh: BTC

Tuy nhiên, đơn vị tổ chức cho rằng, kỹ năng tiếng Anh là cần thiết với những thí sinh đăng quang các cuộc thi sắc đẹp được mua bản quyền trong top “Big6” (6 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới) – bởi những thí sinh này sẽ phải chinh chiến ở đấu trường quốc tế.

Việc có ngoại ngữ sẽ giúp ích rất lớn cho thí sinh thi đấu quốc tế bởi còn phải giao lưu, học hỏi, hùng biện với các thí sinh quốc gia khác, và đặc biệt là giao tiếp với ban giám khảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn