MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp phích tuyên truyền phòng chống, dịch COVID-19 tại khu vực khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh Giang Ngân

"Chuyện đoàn kết chống dịch COVID-19 khiến người ta rưng rưng nước mắt"

VƯƠNG TRẦN LDO | 02/04/2020 14:40

Trong những ngày hướng về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng lòng, chung một nguồn cội lại được nhân dân cả nước cùng nhau thể hiện rõ trong chống dịch COVID-19.

Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch), trao đổi với phóng viên Lao Động, Nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng – Nguyên Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cấp quốc gia dân tộc.

Điều này tạo nên đặc trưng văn hóa và sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh của đồng tâm, đồng chí, đồng lòng trên cơ sở đồng tộc.

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, ngày hôm nay, tinh thần đồng tâm, đồng chí, đồng lòng, đồng tộc này được thể hiện rất rõ trong việc người dân Việt Nam cùng nhau đoàn kết, chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Nhà nghiên cứu văn hóa này nêu những dẫn chứng về tinh thần đoàn kết, đồng lòng, cùng chung nguồn cội sẵn sàng sẻ chia cho nhau trong mọi hoàn cảnh của người Việt Nam. Ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 này cũng có nhiều câu chuyện hết sức cảm động.

“Chống dịch COVID-19, có những Mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi 95 như bà Ngô Thị Quýt vẫn ngồi may khẩu trang chống dịch; có những học sinh tiểu học viết thư cho Thủ tướng xin hiến toàn bộ tiền mừng tuổi để mua khẩu trang phát miễn phí; có những cụ già ngoài 80 tuổi như ông Tư Ẩn bán quần áo cho người nghèo với giá 0 đồng.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ sĩ và cả người dân…cùng vào cuộc góp công, góp của, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Họ đóng góp không chỉ bằng tiền, bằng tài sản mà bằng cả sức ảnh hưởng rất tích cực, tốt lành của họ” – TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng đó là những câu chuyện khiến người ta "rưng rưng nước mắt" bởi tinh thần sẻ chia “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ảnh T.Vương

Dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện với với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, chính tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc đã giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lăng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi đến những thắng lợi.

“Sự đồng tâm, đồng lòng đấy chúng ta cũng đã chiến thắng được nhiều kẻ thù. Với đại dịch COVID-19 này, chúng ta cũng với tinh thần chống dịch như chống giặc. Xem dịch bệnh chính là “giặc” và lại thêm một lần nữa phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau chống lại kẻ thù, dịch dã. Đoàn kết, đồng lòng để đưa đất nước vượt qua được những khó khăn” – TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Cùng trao đổi về vấn đề phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong chống dịch bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Chỉ có đoàn kết, đồng lòng mới tạo ra sức mạnh chống dịch hiệu quả

"Dịch COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Do vậy, sự đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc, sự đồng lòng giữa mọi người dân, trong đó có cả người nước ngoài, trong một quốc gia là cần thiết hơn bao giờ hết. Chỉ có đoàn kết, không kỳ thị, phân biệt đối xử mới tạo ra sức mạnh để công tác chống dịch đạt hiệu quả.

Từng người dân cần hiểu đúng về dịch bệnh, chủ động phòng ngừa, tuân thủ những yêu cầu của Chính phủ, tránh tụ tập đông người, cảnh giác với các thông tin giả... là các biện pháp thể hiện tinh thần đoàn kết đó" - bà Thúy Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn