MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai hàng tượng đặt ở cầu Kim Thủy lối vào Đại Nội được thu hồi khi bị dư luận phản ứng dữ dội (chụp chiều 12.2). Ảnh: Phúc Đạt

Chuyện thu hồi tượng người trước Đại Nội Huế và bài học ứng xử với di sản

PHÚC ĐẠT LDO | 15/02/2023 18:50

THỪA THIÊN HUẾ - Từ việc thu hồi những bức tượng người đặt trước Đại Nội Huế vì phản ứng dữ dội từ dư luận; hay ý tưởng về phương án xây dựng cầu gỗ bắc qua Hộ Thành hào, kết nối đường Trần Huy Liệu với khu vực Thượng thành để đi vào Đại Nội, điều này cho thấy, các nhà quản lý phải hết sức thận trọng và xem xét kỹ lưỡng khi "đụng" đến Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới.

Đại nội không phải nơi thử nghiệm dễ dãi

Như Lao Động đã thông tin, trước ngày 13.2, người dân, du khách đến Huế không hiểu điều gì đang xảy ra khi ở cầu Kim Thủy dẫn vào Ngọ Môn xuất hiện một loạt tượng người màu vàng, khoác trang phục xưa, bằng giấy.

Ngoài những lý do thuộc về cảm quan thẩm mỹ, điều làm người ta giật mình là bởi từ xưa đến nay, trên chiếc cầu thuộc hệ thống di sản thế giới này chưa từng xuất hiện những bức tượng người.

Sau khi bị dư luận phản ứng dữ dội vì hình ảnh những bức tượng này lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội, ngay lập tức, ngày 13.2, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát đi thông báo lý giải: "Đây là các tác phẩm sắp đặt của một họa sĩ ở Huế, mong muốn thực hiện tại không gian di sản Huế.

Việc sắp đặt tại Ngọ Môn là thử nghiệm tạm thời để xem xét. Nhận thấy, việc triển khai này là không phù hợp với không gian. Vậy, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo không thực hiện và thu hồi".

Lâu nay, việc sử dụng không gian Đại Nội Huế - nơi được xem là biểu tượng của triều đình Nhà Nguyễn để tổ chức trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật là việc không phải lần đầu tiên.

Thu hồi 2 hàng tượng trước Đại Nội Huế. Ảnh: Phúc Đạt

Có một số cuộc triển lãm đã cho thấy sự dễ dãi khi đưa vật lạ vào không gian di sản, cụ thể, gần đây là việc trưng bày 36 trang in lại từ bản chép tay Truyện Kiều tại thư viện Anh Quốc khi đang còn những ý kiến tranh luận về nguồn gốc tập sách. Hoặc hiện tại là bộ tranh gương đang triển lãm, trưng bày dọc hệ thống trường lang không có đủ thông tin cần thiết về nguồn gốc, xuất xứ.

Thận trọng với việc xây cầu gỗ vào thành

Cũng liên quan đến Quần thể Di tích Cố đô Huế, mới đây, đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương dẫn đầu vừa đi khảo sát thực địa, kiểm tra tổ chức giao thông khu vực Đại Nội Huế và khu vực phụ cận.

Đối với bài toán giải quyết nhu cầu đi lại cho khách du lịch đi bộ qua khu vực Cửa Ngăn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với UBND TP. Huế tổ chức lấy ý kiến của người dân sinh sống xung quanh khu vực bến xe Nguyễn Hoàng tiếp giáp với đường Trần Huy Liệu về phương án xây dựng cầu gỗ bắc qua hồ, kết nối đường Trần Huy Liệu với khu vực Thượng thành để đi vào Đại Nội.

Từ đó làm cơ sở để tiến hành nghiên cứu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.

Chiều 15.2, trao đổi với Lao Động, TS Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho biết, trước hết, về mặt quan điểm tiếp cận thì một quyết sách ra đời phải phát xuất từ nhu cầu xã hội bức thiết, được định hình từ những luận chứng, luận cứ khoa học lẫn thực tiễn vững chắc, để đảm bảo tính khả thi và phát huy giá trị tối ưu trong xã hội.

Du khách đi bộ giữa đường lưu thông của các phương tiện giao thông để vào Đại Nội Huế thông qua cầu Cửa Ngăn. Ảnh: Phúc Đạt

Cho nên ở đây, có thể các ngành chức năng đã có báo cáo về thực trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài ở nút thắt Cửa Ngăn nên lãnh đạo tỉnh mới nêu vấn đề để xem xét, lựa chọn phương án giải quyết tối ưu.

Cách đặt vấn đề như vậy, nhìn từ ý tưởng, là rất đáng trân trọng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của địa phương. Tuy nhiên, việc khẳng định tính cấp thiết và cách đặt vấn đề hơi đột ngột, liên quan trực tiếp tới di sản thế giới lại dễ gây sốc, gây ngộ nhận về một sự đường đột, nôn nóng, cần được thông tin một cách cụ thể, thận trọng và đầy đủ hơn nhất là trên các phương tiện truyền thông.

Cũng theo TS. Trần Đình Hằng, trước khi lên ý tưởng xây dựng cầu gỗ cần tham chiếu hệ giá trị pháp lý và luân lý (công năng vốn có của di tích và dư luận xã hội), đặc biệt là từ các góc độ gia pháp, hương lệ, phép nước và công ước quốc tế để định vị một công việc, một chính sách, ở một không gian đặc hữu của Kinh Thành Huế trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh.

"Cho nên, trước khi tập trung “cứu chữa” Cửa Ngăn bằng cách kiến tạo một “thượng đạo” bên cạnh, thiết nghĩ cần thận trọng khảo sát, chuẩn bị kỹ lưỡng, để phân luồng, chia lửa giảm tải nhờ các cửa thành khác, tạo thành một hệ thống được điều hòa thông suốt.

Không gian Hộ Thành hào phải được xanh trong trở lại với sen, với cá, với cảnh quan sạch đẹp xung quanh, định hình những lối đi dạo ấn tượng, dọc theo bờ thành, tương tự như ở Thượng thành, mà hoàn toàn không cần tới những con đường cắt ngang, băng qua một cách thô thiển, tối kỵ trên nhiều phương diện: Địa sinh thái, lịch sử - văn hóa, kiến trúc cảnh quan phong thủy và cả pháp lý nếu tham chiếu luật di sản văn hóa và các công ước quốc tế có liên quan", TS Trần Đình Hằng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn