MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phùng Khánh Chuông giới thiệu về cuốn gia phả đã có tuổi đời hơn 300 năm. Ảnh: Thu Thuỷ

Chuyện về gia đình có 12 người con trai thành danh trên con đường chữ nghĩa

Thu Thuỷ LDO | 06/02/2024 07:14

Các con của cụ Phùng Khoa Hân đều thành danh trên con đường chữ nghĩa, làm từ chức quan Viên tử; tiền hậu vệ; tước bá; tước hầu đến quan Tri huyện; Đô Chỉ huy sứ; Thị nội mật sát…

Giáo tứ đăng khoa ưng long Quốc sủng

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, PV Báo Lao Động có dịp gặp ông Phùng Khánh Chuông - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng ở thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo bản dịch gia phả họ Phùng Văn, cụ Phùng Khoa Hân sinh năm Kỷ Dậu 1669 tại làng Ốc Trù, Hội Hạ (nay thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Cụ là niềm tự hào của gia tộc họ Phùng khi 26 tuổi thi hương đỗ Tứ Tràng, năm 30 tuổi đỗ Tam Tràng trong khoa thi hội.

Theo ông Chuông, khi trưởng thành, cụ Phùng Khoa Hân lập nghiệp ở Yên Lạc. Trong thời gian đó, cụ giữ chức quan tri huyện, tri phủ, về sau được phong lên chức quan Tham Nghị.

Tham nghị quan Phùng Khoa Hân có 12 người con trai. Con trai cả là Tiến sĩ Phùng Bá Kỳ, thi hương đỗ trạng nguyên, đến năm 22 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Định thứ 17 (1715) đời vua Lê Dụ Tông.

Những người con khác của cụ Nguyễn Khoa Hân đều thành danh, có công với dân với nước. Đó là Phùng Khoa Xưởng, quan viên tử, tiền hậu vệ; Phùng Năng Kính, tước bá; Phùng Đĩnh Lập, tri huyện Thúy Vân; Phùng Thế Oánh, quan chánh vô úy; Phùng Khoa Chủng, tri huyện Trung Thuận; Phùng Du Thảo; Phùng Đôn Nghĩa, tri huyện liêm binh, tước bá; Phùng Khuông Lục, tước hầu; Phùng Dong Oánh, chức Đô Chỉ huy sứ, sau truy tặng tước Quận công Oánh Trung hầu; Phùng Trung Tín, thị nội mật sát trung úy hầu; Phùng Tôn Dục, quan viên tử.

Ông Phùng Khánh Chuông cho chúng tôi xem nhiều thông tin ghi chép lại về việc cụ Phùng Khoa Hân được ban sắc khen khi tự dạy dỗ con đỗ Tiến sĩ, trong đó có câu: “Giáo tứ đăng khoa ưng long Quốc sủng”, có nghĩa là Dạy con đỗ Đại khoa đáng được Nhà nước khen ngợi.

“Cụ Phùng Khoa Hân mất năm 1741, hưởng thọ 72 tuổi. Hằng năm cứ dịp Tết và ngày giỗ cụ (25.2), con cháu tập trung ở từ đường cúng tế, tưởng nhớ cụ” - ông Chuông chia sẻ.

Bia đá lưu truyền

Tiếp câu chuyện về gia đình có 12 người con thành danh của cụ Phùng Khoa Hân - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng ở thị trấn Yên Lạc - kể: Phùng Bá Kỳ (1694 - 1739) được cha hướng theo con đường Khoa bảng nên năm 17 tuổi đã đỗ Giải nguyên trong kỳ thi Hương. Đến năm 22 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi (1715) do Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm vâng sắc soạn, Tham tụng kiêm Thượng thư bộ Lại - Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận có đoạn: “Đầu Xuân năm Ất Mùi, bộ Lễ chiếu theo điển lệ mở khoa thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Bèn sai Trạc Quận công Trịnh Thực làm Đề điệu, Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Liên làm Tri Cống cử, Bồi tụng Phạm Công Trạch, Nguyễn Đương Hồ làm Giám thí cùng trăm quan hữu ty chia giữ các việc.

Theo ông Phùng Khánh Chuông, hiện văn bia đề danh được trưng bày ở Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội).

Ngoài ra, dòng họ đã treo thêm 1 bản tại từ Đường dòng họ Phùng Văn chi tộc Vĩnh Mỗ (nay là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Năm 2015, từ đường họ Phùng Văn tại thị trấn Yên Lạc chính thức được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hai anh em Phùng Bá Kỳ và Phùng Dong Oánh cũng được đặt tên cho hai con đường ở Vĩnh Phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn