MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện về ngôi mộ Giày kì lạ ở Quảng Nam

Hoàng Bin LDO | 18/04/2023 07:21

Quảng Nam - Dưới bóng cây sưa làng Hương Trà, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ có một ngôi mộ kì lạ - chôn cất 1 chiếc giày, được người dân hương khói thờ phụng suốt trăm năm qua với những giai thoại truyền kì.

Truyền thuyết mộ Giày

Theo ông Nguyễn Văn Em, 65 tuổi, trưởng khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương: “Ngôi mộ này đã có từ bao đời. Tương truyền, Thầy Lánh là người có phép thuật, giúp dân đánh đuổi quân gian ác, xây dựng quê hương. Một ngày nọ, Thầy cưỡi rồng về phương Nam để tránh buổi xử tội của triều đình (vì giúp dân làng chống lại sự áp bức của triều đình), thì rơi chiếc giày giữa làng Hương Trà. Dân làng mang chiếc giày chôn cất, để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng. Từ đó, mộ có tên mộ Giày hay mộ Thầy Lánh”.

Mộ Giày hay còn gọi là mộ Thầy Lánh, hiện ở làng Hương Trà, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh Hoàng Bin

Trong dân gian hiện còn lưu hành rất nhiều truyền thuyết về Thầy Lánh. Đa số đều ca ngợi tài cứu khốn phò nguy, lấy của người giàu giúp người nghèo của “Ngài”.

Ví như câu chuyện được những cụ cao niên ở làng Diêm Trà, xã Tam Tiến, Núi Thành ngày nay kể lại. Đó là vào những năm đói kém, mất mùa, cả làng không có tiền của xây dựng một ngôi đình để thờ cúng và tổ chức hội hè hằng năm. Lạ thay, đêm ấy cuồng phong dữ dội, sấm chớp đầy trời như báo điềm lạ. Khi mọi người tỉnh giấc, một ngôi đình nguy nga thay thế vào nơi có ngôi đình dột nát trước đây.

Ngôi mộ Giày được người dân địa phương bảo vệ, hương khói suốt trăm năm qua. Ảnh Hoàng Bin

Dân làng chưa kịp vui mừng thì rộ ra tin đồn cho rằng Thầy Lánh làm phép biến hóa cướp đình ở một ngôi làng khác về. Thầy và người vợ bị nhà vua bắt tội. Trước giờ hành hình, thầy xin một tấm lụa đào và múa một bài để tạ tội cùng dân làng.

Lạ thay, thầy càng múa, tấm lụa biến hóa thành hình con rồng và từ từ đưa Thầy và người vợ bay về phương Nam. Từ đó, người dân làng Diêm Trà truyền nhau câu chuyện này cho con cháu đời sau nghe để tưởng nhớ công ơn Thầy.

Tôn tạo di tích để giáo dục đời sau

Theo nhà nghiên cứu Phú Bình, mộ Giày nằm trên gò đất cao ráo, được xây theo lối kiến trúc xưa, nấm mộ hình quả trứng (oval), thành mộ hình móng ngựa. Ở giữa cửa mộ có tấm bình phong rồi đến nhà bia dựng sát chân mộ. Trên bia mộ, có bài minh lưu được những thông tin về gốc gác ngôi mộ Giày.

Văn tự cổ trên bia mộ hé lộ gốc tích của ngôi mộ Giày. Ảnh Hoàng Bin

Theo bài tạm dịch trên văn bia mộ của tác giả Phú Bình, đây là mộ linh của ngài Nguyễn Đức Lánh, có hiệu là Bích Nhãn tôn sư, mộ do con cháu trong tộc Nguyễn ở làng Diêm Điền cùng dựng bia để thờ.

Thông tin này được ông Nguyễn Văn Nhiều (52 tuổi, ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành), người thường xuyên đến tảo mộ xác nhận.

Theo ông Nhiều, Thầy Lánh là nhân vật có thật, được ghi hầu như đầy đủ thông tin trong cuốn gia phả của tộc Nguyễn Văn. Thầy tên thật là Nguyễn Đức Lánh, sinh năm 1800, tại thôn Bản Long, làng Diêm Điền, tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ xưa.

Thầy sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, làm nông nhưng từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học. Lớn lên, thầy học nghề làm thuốc để chữa bệnh cho người dân. Thấy dân làng chịu nhiều khổ cực, thầy đã dùng tài năng và những phép thuật của mình để giúp đỡ dân lành. Từ đó, thầy nổi tiếng và được nhân dân gần xa ngưỡng mộ.

Hiện nay, mộ Giày trở thành điểm di tích thu hút người dân và du khách tham quan. Ảnh Hoàng Bin.

Ông Hồ Minh Sơn - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam chia sẻ: “Truyền thuyết về mộ Giày là một câu chuyện mang tính huyền bí về người đạo sĩ tài ba, giúp dân hướng thiện, được nhân dân báo đáp. Trải qua suốt trăm năm, ngôi mộ Giày luôn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ, hương khói. Giai thoại về Thầy Lánh cũng đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan, khám phá di tích mộ Giày. Thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm, tôn tạo, phát huy ý nghĩa tốt đẹp của di tích này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn