MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du lịch Việt Nam cần xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với tâm lý đã có thay đổi do những tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Hoàng Hà

“Cơ cấu lại thị trường khách, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp”

Mai Châu (thực hiện) LDO | 22/12/2020 07:17
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) - đánh giá, năm 2020 là quãng thời gian khó khăn và du lịch là ngành chịu thiệt hại trực tiếp, nặng nề nhất.

Trong bối cảnh phải tập trung cùng cả nước ứng phó với đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã có những thích ứng nào trước tình hình mới trong việc điều chỉnh kế hoạch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa khi buộc phải tạm dừng đón khách quốc tế, thưa ông?

- Hai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Các hoạt động vận chuyển khách du lịch dần được phục hồi, đặc biệt là tần suất khai thác của các hãng hàng không tăng cao khi Vietnam Airlines mở lại 100% các đường bay nội địa, đồng thời đã mở thêm 18 đường bay mới kết nối các trung tâm du lịch của cả nước. Bamboo Airways có công suất chuyên chở tăng nhanh, đạt khoảng 80%. Vietjet Air xấp xỉ 100% so với trước dịch.

Đặc biệt, năm 2020, ngành Du lịch cũng chủ động tạo dựng nền tảng cho việc chuyển đổi số trong ngành với những nhiệm vụ trọng tâm như Xây dựng và ra mắt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn kết nối với dữ liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19; Xây dựng đề án Trung tâm dữ liệu và điều hành du lịch; Triển khai các ứng dụng nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh (ứng dụng công nghệ để số hóa điểm đến; hỗ trợ xây dựng hệ thống mạng viễn thông di động ảo và tổng đài du lịch phục vụ khách du lịch; Xây dựng sàn du lịch để kết nối du khách với hệ sinh thái du lịch thông minh).

Bên cạnh những “nốt trầm” của ngành Du lịch trong năm vừa qua, du lịch Việt Nam cũng có những niềm vui khi được Tổ chức World Travel Awards vinh danh lần thứ 2 liên tiếp là “Điểm đến Di sản hàng đầu Châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu Châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu Châu Á” cũng như được vinh danh lần thứ 4 liên tiếp ở hạng mục “Điểm đến Golf tốt nhất Châu Á năm 2020”.

Dịch bệnh khiến cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng lớn nhưng lại là cơ hội để nhìn lại và hoàn thiện. Ông có thể cho biết, TCDL nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung đã tận dụng quãng thời gian này như thế nào?

- Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến ngành Du lịch nhưng cũng là thời cơ để ngành Du lịch đánh giá, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra một giai đoạn mới. TCDL cũng đã định hướng cho các địa phương và doanh nghiệp đầu tư sản phẩm mới, hấp dẫn để phù hợp với xu thế và thị hiếu của du khách trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tăng cường liên kết giữa các điểm đến, các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và cung cấp dịch vụ liên quan nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngành du lịch cũng tập trung vào hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sâu cơ cấu khách quốc tế theo nhu cầu và sản phẩm du lịch, các phân khúc khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, sử dụng các sản phẩm du lịch mà Việt Nam có lợi thế. Chú trọng tăng cường marketing kỹ thuật số: hoàn thiện và đồng bộ hóa các công cụ, hệ sinh thái số xúc tiến du lịch gồm website/cổng thông tin điện tử/nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến, mạng xã hội, ứng dụng di động. Tổ chức xây dựng các clip quảng bá du lịch Việt Nam an toàn giữa mùa COVID-19 để quảng bá trên CNN, mạng xã hội của Trung Quốc, Hàn Quốc…

Thời gian tới, TCDL sẽ tiếp tục cơ cấu lại thị trường khách, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tâm lý nhu cầu khách du lịch đã có sự thay đổi do tác động của COVID-19, tập trung truyền thông quảng bá Du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn thu hút các thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam ngay sau khi thế giới khống chế được dịch bệnh.

Trong 5 năm trở lại đây, Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và khẳng định được vị thế mới cũng như định vị điểm đến với du khách quốc tế, vậy thời gian tới chúng ta nên làm gì để giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được đó, thưa ông?

- Những thành tựu của Du lịch Việt Nam trong thời gian qua được thế giới đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Tôi tin tưởng rằng, thông qua những giải thưởng quốc tế mà Việt Nam đã đạt được sẽ là cầu nối để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Việc có được sự công nhận của các tổ chức du lịch uy tín đồng thời là cơ sở vững chắc để ngành Du lịch nước ta triển khai các chiến dịch truyền thông, quảng bá những thành tựu đáng tự hào này.

Ngành Du lịch vẫn còn có một số bất cập như chưa có sản phẩm riêng biệt, mất cân đối về thị trường khách hay hiệu quả kinh doanh chưa cao... Theo ông, những “yếu điểm” này cần phải khắc phục ra sao trong thời gian tới?

- Để giải quyết các vấn đề nêu trên, trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỉ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa. Đối với thị trường khách quốc tế sẽ cơ cấu lại theo phân khúc nhu cầu đối với từng loại hình sản phẩm du lịch, tập trung vào các sản phẩm như nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sản phẩm du lịch MICE, văn hóa, golf, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có không ít cơ hội để thay đổi, để vươn lên bằng việc nắm bắt và thích ứng với các nhu cầu mới của thị trường, phát triển bền vững và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài như thiên tai hay bệnh dịch.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nền du lịch toàn cầu sẽ phục hồi từ Quý III/2021, vì thế sẽ có những giải pháp triển khai đồng bộ như tiếp tục theo dõi tình hình và đánh giá về diễn biến dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép ”vừa phát triển du lịch, vừa chống dịch” và chuẩn bị phương án phục hồi du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.

Trong đó, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh du lịch với mục tiêu chính là cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả; Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; Đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Chuyển đổi số trong phát triển du lịch đặc biệt trong việc nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch...

- Xin cảm ơn ông!

Năm 2020, các chỉ số tăng trưởng của ngành Du lịch sụt giảm nghiêm trọng: Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%. Du khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019. Có đến 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD)”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn