MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Elena Belova (phải) cùng cháu gái Arina chụp hình lưu niệm tại nhà hát múa rối ở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cô giáo người Nga và cuộc hẹn với Việt Nam sau 30 năm

Phạm Huyền LDO | 02/08/2022 07:31

Cô giáo người Nga Elena Belova lần đầu tiên đến Việt Nam theo lời mời của những cựu du học sinh bà giảng dạy từ thập niên 90. 

Một chiều nắng cuối tháng 7, bà Elena Belova, 69 tuổi, tản bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm cùng cháu gái Arina, 14 tuổi, chờ đến giờ Nhà hát múa rối Thăng Long đón khách. Trên gương mặt bà Elena thoáng nét mệt mỏi, vì cái nóng ẩm đặc trưng của mùa hè nhiệt đới - ánh lên niềm vui dành cho điều bà chờ đợi bấy lâu.

Bởi, đây là lần đầu tiên bà Elena tận mắt chiêm ngưỡng những con rối sơn mài nhảy múa trên một sân khấu thủy đình tại Việt Nam - cảnh tượng kích thích trí tò mò của bà 35 năm về trước khi lần đầu tiên đọc những tài liệu về văn hóa Việt Nam.

“Rối nước là nghệ thuật độc nhất vô nhị của Việt Nam. Tôi đã đọc về nó từ năm 1987, khi nghiên cứu giảng dạy những du học sinh Việt Nam”, bà Elena nói. “Buổi diễn rất thú vị, tôi gần như hiểu hết mọi diễn biến. Vở diễn xoay quanh truyền thuyết trả gươm cho rùa thần, tiếp đó kể về cuộc sống của người nông dân, cả những phân đoạn hài hước song dễ hiểu cả với khách nước ngoài”.

Bà Elena cho biết mình vô cùng hạnh phúc khi giấc mơ thành hiện thực: “Tôi xem múa rối không chớp mắt. Các nghệ sĩ hát rất hay, mọi thứ đều đẹp. Đây không phải lần đầu tôi nghe nhạc Việt Nam đâu nhé, nên nghe là hiểu liền đó là nhạc thể loại gì”. 

Trở lại Liên Xô cũ những năm 80, bà Elena là giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở Moskva. Phụ trách giảng dạy các du học sinh Việt Nam, bà Elena tìm hiểu rất nhiều về lịch sử, văn hóa và truyền thống của đất nước cách Moskva hơn nửa ngày bay.

“Cô tự tìm hiểu văn hóa từ khi sinh viên Việt Nam sang Nga học. Hồi đó anh em chưa biết tiếng nên chưa giới thiệu được nhiều cho cô. Mọi kiến thức đều do cô tự tìm hiểu hết”, ông Kim Thành - một cựu du học sinh Việt Nam trong lớp của bà Elena, chia sẻ.

Đến năm 1992, những sinh viên Việt đầu tiên bà Elena giảng dạy chia tay nước Nga và cô trò bặt tin nhau từ đó. Bà Elena vẫn luôn đau đáu không biết học trò của mình ra sao. Còn những cựu du học sinh phần không có cách nào liên lạc với cô qua điện thoại hay thư tay, phần chưa đủ duyên trở lại nước Nga suốt mấy chục năm.

“Mãi đến năm 2020, một số học trò cũ mới có cơ hội sang Nga công tác và tìm đến nhà theo địa chỉ dò hỏi được. Hội cựu du học sinh quyết định mời cô và cháu gái sang Việt Nam du lịch, đài thọ toàn bộ chi phí”, ông Phạm Biên - một cựu du học sinh, cho biết.

Khám phá Việt Nam

Và chuyến thăm Việt Nam của bà Elena cuối cùng đã thành sự thật như lời hẹn với học trò ngày chia xa 30 năm trước. Hành trình kéo dài khoảng 10 ngày qua những điểm đến nổi tiếng nhất của Việt Nam từ Hà Nội, Hạ Long đến Đà Nẵng, Hội An… 

“Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi cảm thấy rất tuyệt. Mọi người đều thân thiện, mến khách. Chính sách nhập cảnh thuận lợi khi tôi không cần xin visa, có thể lưu trú 15 ngày”, nữ du khách cho biết.

Có lẽ một phần vì tìm hiểu sâu về lịch sử - văn hóa Việt Nam, bà Elena đặc biệt hứng thú khám phá những di tích. Tại Hà Nội, bà ghé thăm Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Làng gốm Bát Tràng... Điểm tham quan ấn tượng nhất với cô giáo Nga này là Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. “Tôi nhận thấy đó là niềm tự hào của người Việt. Quốc Tử Giám là nơi đặc biệt, thể hiện hình ảnh một Việt Nam của những ngày xưa cũ, không đâu có được”, bà nói. 

Điều duy nhất có phần thử thách với bà Elena là thời tiết mùa hè ở Việt Nam. “Tôi mệt vì nơi nào cũng muốn xem nhưng trời lại nóng quá. Ở Moskva cũng nóng nhưng tôi có thể nằm trong bồn tắm và không đi đâu, làm gì. Nhưng tôi đến Việt Nam không phải để ngồi điều hòa, mà để khám phá khắp nơi”, bà cười nói.

Kết thúc hơn 10 ngày rong ruổi khắp những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, bà Elena đã trở lại Moskva. Chuyến thăm Việt Nam hằng mong ước của cô giáo Nga năm nào đã thành hiện thực. Đây là lần đầu tiên và cũng có thể là lần duy nhất Elena vượt hàng nghìn cây số đến Việt Nam gặp gỡ những học trò cũ, khi bà đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ngày hội ngộ của cô trò có lẽ sẽ đến tại nước Nga, khi những cựu du học sinh Việt Nam trở lại nơi họ vẫn luôn mong mỏi đặt chân đến một lần nữa, ôn lại những kỷ niệm thời thanh xuân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn