MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có hay không chuyện tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương?

Mi Lan LDO | 27/07/2022 12:39

Nếu giữa “Bà Chúa thơ Nôm” và Đại thi hào Nguyễn Du có mối tình kéo dài 3 năm như giai thoại - đó sẽ là mối tình giữa “trai tài gái tài” được kỳ vọng bậc nhất trong giới thi ca Việt Nam.

Giai thoại tình yêu bắt đầu từ một bài thơ

Những giai thoại về chuyện tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương được bắt đầu truyền tụng, bàn tán khi cuốn “Lưu Hương Ký” được phát hiện ra năm 1964.

“Lưu Hương Ký” được cho là tuyển tập những sáng tác của Hồ Xuân Hương. Trong cuốn này, bà kể lại những chuyện tình yêu đi qua đời mình.

Đáng chú ý, trong tập “Lưu Hương Ký” có bài thơ bằng chữ Hán, “Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu”, nghĩa là “Nhớ bạn cũ”, viết gửi cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu; dưới tên bài thơ còn ghi chú: “Hầu Nghi Xuân Tiên Điền Nhân”.

Nguyễn Hầu ở đây chính là Nguyễn Du, quê ở Nghi Xuân, Tiên Điền, Hà Tĩnh. Năm 1805, Nguyễn Du được phong Du Đức Hầu, đến năm 1813 được thăng Cần chánh học sĩ sung Chánh sứ sang nhà Thanh.

Nguyễn Du sinh năm 1766, Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, hai người cùng thế hệ (chênh nhau 7 tuổi), có những khoảng thời gian cùng sống ở kinh thành Thăng Long.

Theo ghi chép, bài thơ “Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu” được viết năm 1813, đó cũng là thời gian Nguyễn Du được phong làm Cần Chánh học sĩ.

Bài thơ có đoạn: “Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung/ Mượn ai tới đấy gửi cho cùng/ Chữ tình chốc đã ba năm vẹn/ Giấc mộng rồi ra nửa khắc không/ Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong/ Biết còn mảy chút sương đeo mái/ Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”.

Bài thơ bày tỏ nỗi thương nhớ của Hồ Xuân Hương dành cho Nguyễn Du. Câu thơ “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn”, được cho là diễn đạt về mối tình của họ kéo dài trong khoảng 3 năm. Sau đó, Nguyễn Du phải về lại Hà Tĩnh trông coi việc xây từ đường của dòng họ.

Những giai thoại xoay quanh chuyện tình Nguyễn Du- Hồ Xuân Hương khiến độc giả nhiều thế hệ nức lòng. Ảnh: TV

Xung quanh những giai thoại này có nhiều nguồn tranh cãi. Nhất là khi, những bài thơ trong tuyển tập “Lưu Hương Ký” không giống với sự phá cách, táo bạo ở những bài thơ Nôm được biết đến của Hồ Xuân Hương.

Nhiều giả thuyết được đặt ra, có ý kiến cho rằng, có thể đã có hai Hồ Xuân Hương, một Hồ Xuân Hương thơ Nôm nghịch phá, nữ quyền, và một Hồ Xuân Hương bình dị ở “Lưu Hương Ký”. Người phụ nữ có mối tình 3 năm với Nguyễn Du là Hồ Xuân Hương của “Lưu Hương Ký”.

Về phía Nguyễn Du, cho đến bây giờ, vẫn không tìm thấy ở bất cứ tác phẩm nào lưu lại cho thấy ông nhắc đến chuyện tình cảm với Hồ Xuân Hương. Trong bài thơ về Thăng Long, bài “Long Thành cầm giả ca” lại viết về một kỹ nữ.

Vẫn có những gán ghép cho rằng Nguyễn Du nhắc đến Hồ Xuân Hương trong bài thơ “Mộng Đắc thái liên” (Mơ thấy hoa sen). Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong câu thơ “... Hái, hái sen Hồ Tây... Sáng nay đi hái sen/Nên mới hẹn cô láng giềng xóm Đông”, “cô láng giềng” ở đây có thể là Hồ Xuân Hương.

Mối tình được kỳ vọng bậc nhất

Năm 2013, tác giả Hoàng Khôi ra mắt cuốn tiểu thuyết “Nguyễn Du trên đường gió bụi” lấy cảm hứng từ chuyện tình của Nguyễn Du – Hồ Xuân Hương và 10 năm thăng trầm của đại thi hào trong những biến cố chính trị, thời thế kéo dài từ năm 1786-1796.

10 năm gió bụi của Nguyễn Du là 10 năm lưu lạc, trong đó có quãng thời gian đại thi hào sống ở kinh thành Thăng Long và có tình cảm với nữ sĩ Xuân Hương.

Cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ chuyện tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương. Ảnh: CMH

Khoảng năm 1790, Nguyễn Du ở tại gác tía gần Hồ Tây của anh trai là Nguyễn Khản (lúc đó đang làm quan Tham tụng). Làng Nghi Tàm hồi ấy có gia đình thầy đồ Diễn trú ngụ. Gia đình thầy đồ có cô con gái tên Xuân Hương.

Xuân Hương đang ở tuổi 17-18, xinh đẹp, học chữ Hán, chữ Nôm tinh thông, lại biết làm thơ, ứng đối sắc sảo, khiến Nguyễn Du cảm mến, rung động. Mối tình của họ kéo dài trong 3 năm cho đến khi Nguyễn Du về lại Hà Tĩnh. Cuộc đời họ rẽ theo 2 hướng khác nhau từ đấy.

Rất nhiều giả thiết, tranh cãi vẫn diễn ra và kéo dài trong nhiều năm với nhiều góc nhìn khác nhau về chuyện tình giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du. Có người tin, người không, nhưng tất cả đều đồng thuận rằng, nếu có chuyện tình ấy – thực sự sẽ làm nức lòng những ai yêu thi ca. Đó sẽ là mối tình đẹp hiếm có giữa “trai tài, gái tài”, là mối tình được kỳ vọng bậc nhất trong văn chương Việt Nam.

Nguyễn Du là bậc anh tài hiếm có với những tác phẩm đồ sộ, đơn cử như “Truyện Kiều”, Hồ Xuân Hương không đối sánh được với đại thi hào về độ nguy nga trong sự nghiệp, nhưng bà là nhà thơ độc đáo nhất, đặc dị nhất của thi ca Việt Nam.

Nếu Nguyễn Du đã đi được đến tận cùng nỗi đau thân phận đoạn trường của con người, nói lên nỗi đau nhân loại, thì Hồ Xuân Hương đã đi đến được tận cùng màu sắc cá nhân độc bản, không giống ai.

Năm 2022, UNESCO cùng Việt Nam sẽ kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822).

Được biết, UBND tỉnh Nghệ An đã và đang lên kế hoạch tổ chức loạt sự kiện cho lễ kỷ niệm này nhằm tri ân tài năng thơ ca được xếp vào bậc hiếm có của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn