MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tơ lụa từ tơ tằm của Việt Nam được du khách quốc tế yêu thích, nhưng chưa thể xuất khẩu mạnh mẽ. Ảnh: Hào Hoa

Cơ hội đưa văn hóa, bản sắc Việt ra thế giới qua công nghiệp thời trang

Anh Trang LDO | 09/10/2023 14:20

Trang phục mang văn hóa, bản sắc Việt Nam xuất khẩu ra thế giới vẫn “nhỏ giọt” nhưng có tiềm năng mở rộng.

Việt Nam nằm trong top đầu về xuất khẩu hàng dệt may

Trong 12 lĩnh vực mũi nhọn của chiến lược công nghiệp hóa văn hóa, có thời trang.

Hiện, dệt may luôn dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 37,5 tỉ USD, đứng thứ 3 về quy mô, sau Trung Quốc và Bangladesh. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đứng thứ hai sau Bangladesh, với mức tăng 10,5-11%.

Đến nay, hàng dệt may Việt Nam hiện đã có vị thế tại hầu hết các thị trường trên thế giới. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức và Trung Quốc là các thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại hàng dệt may của Việt Nam.

Xuất khẩu trang phục mang văn hóa bản sắc Việt ở thị trường ngách

Dù ngành dệt may của Việt Nam xếp top cao thế giới nhưng xuất khẩu vải truyền thống, trang phục mang bản sắc văn hóa Việt ra thế giới là bài toán nan giải của ngành thời trang Việt Nam.

NTK (nhà thiết kế) Thủy Nguyễn, có hơn 10 năm hoạt động trong ngành thời trang chia sẻ với phóng viên Lao Động, cô chỉ ra những hạn chế của chất liệu truyền thống Việt Nam: “Các kỹ thuật sản xuất truyền thống được chúng ta lưu truyền và áp dụng từ xa xưa. Các kỹ thuật này được “tinh chỉnh” theo thời gian để làm ra sản phẩm phù hợp với nguyên liệu đầu vào, thời tiết và hoạt động sinh hoạt của con người bản địa. Nhưng, sản phẩm của chúng ta chưa đa dạng.

Để làm nên một thiết kế cao cấp, chưa kể tới việc dành cho thị trường trong nước hay quốc tế, tôi vẫn ưu tiên sử dụng nguyên phụ liệu của Việt Nam.

Mục tiêu của tôi là khai thác và phát triển tiềm năng của các nguyên liệu và kỹ thuật truyền thống trong nước, đồng thời tìm kiếm những cách kết hợp sáng tạo để vừa lưu giữ được nghề thủ công, vừa mang lại vẻ đẹp đương đại cho bản sắc Việt”.

Với NTK Thủy Nguyễn, cô chọn giải “bài toán” kinh tế bằng các sản phẩm cao cấp. Sản phẩm chứa đựng sự tôn trọng văn hóa và câu chuyện dân gian Việt Nam.

Theo cô, các sản phẩm không đơn thuần là áo quần, nó là sự quan tâm và am tường của người mặc về văn hóa, tình yêu dành cho câu chuyện truyền thống.

Ngoài họa tiết, tính cao cấp của trang phục được thể hiện qua sự tinh tế trong từng chi tiết và thao tác của nghệ nhân thủ công lành nghề, tạo nên sự độc bản.

Đồng quan điểm, NTK Hữu Anh Zoner chỉ ra những thách thức với việc xuất khẩu trang phục mang văn hóa, bản sắc Việt ra thế giới: “Để xuất khẩu trang phục ghi dấu văn hóa Việt ra thị trường quốc tế là vấn đề không dễ, nhưng không phải không có cơ hội. Sự khác nhau của hai nền văn hóa Á - Âu đã là một thách thức. Việc tiếp cận các thị trường quốc tế sẽ là một hành trình dài và có chiến lược cụ thể.

Theo tôi, nếu xuất khẩu thị trường châu Âu, thương hiệu cần tìm hiểu đối tượng khách hàng. Có thể quảng bá vào đối tượng khách hàng là đồng bào Việt kiều sinh sống ở nước ngoài.

Dù chỉ là thị trường ngách nhưng tiềm năng, bởi người Việt luôn muốn khẳng định tình yêu nước và niềm tự hào văn hóa, dân tộc với thế giới”.

NTK áo dài Song Toàn chia sẻ, khách hàng mua sản phẩm của anh có khoảng 30% là người nước ngoài. Họ biết tới thiết kế của anh thông qua mạng xã hội Instagram.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn