MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách quốc tế phấn khích khi trải nghiệm mùa lễ hội Giáng sinh tại Phú Quốc. Ảnh: Sài Gòn

Cơ hội trong thách thức khi Việt Nam muốn đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế

Phạm Huyền LDO | 01/01/2024 14:19

Năm 2023, ngành du lịch hoàn thành mục tiêu đón 12,5 triệu khách quốc tế. Bước sang năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Mục tiêu mới, thách thức mới

Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỉ đồng, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Mục tiêu này được tính toán dựa trên phân tích bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường trong năm 2024. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ chậm lại, lạm phát tiếp tục gia tăng; xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn...

Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Theo phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế được dự báo có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với thời kỳ đỉnh cao năm 2019 - trước đại dịch. Tuy nhiên, mức độ phục hồi của ngành du lịch ở các khu vực không đồng đều.

Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, AI và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.

Cơ hội trong thách thức

Trả lời Lao Động, PGS. TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) - cho rằng, nhìn từ góc độ thị trường, cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam ngày càng rõ ràng.

Theo dự báo, ngành du lịch toàn cầu năm 2024 sẽ phục hồi hoàn toàn so với năm 2019.

“Nếu như không tính thị trường khách du lịch Trung Quốc (được dự báo là phục hồi hoàn toàn đến năm 2025), du lịch thế giới có thể xem như đã phục hồi năm nay” - PGS. TS Phạm Trương Hoàng nói.

Chuyên gia này đánh giá, cơ hội phục hồi của các thị trường quốc tế truyền thống của du lịch Việt Nam, nhất là Trung Quốc, rõ rệt hơn trong năm 2024.

Đơn cử, thị trường Nhật Bản năm 2023 đạt khoảng 590.000 lượt khách, bằng hơn 60% của mức gần 1 triệu khách năm 2019. Thị trường Trung Quốc mới đạt 1,5 triệu lượt khách năm 2023, bằng gần 30% so với 5,8 triệu lượt năm 2019.

“Theo chiều hướng phục hồi chung của thị trường du lịch toàn cầu, các thị trường này sẽ phục hồi. Có một số nhận định cho rằng, khách Trung Quốc sẽ phục hồi đầy đủ vào năm 2025. Như vậy năm 2024, thị trường này sẽ phục hồi mạnh hơn nữa” - PGS.TS Phạm Trương Hoàng nhận định.

Ngoài những thị trường truyền thống hàng đầu của du lịch Việt Nam trước COVID-19, các thị trường khác ngày càng mở rộng. Kết quả kinh doanh du lịch năm 2023 cho thấy có nhiều thị trường nhiều nước tăng trưởng rõ ràng. Ông Hoàng đánh giá, một trong những nguyên nhân là chính sách trong hơn 4 tháng cuối năm. “Cú huých này sẽ thực sự có tác dụng vào năm sau” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Một yếu tố khác cần được xét đến là khả năng thích ứng và vượt qua khó khăn của ngành du lịch ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ.

Đó là câu chuyện của thị trường quốc tế. PGS.TS Phạm Trương Hoàng cho rằng, du lịch nội địa tiếp tục phát triển trong năm 2024.

“Du lịch năm 2023 phần lớn đã quay lại quỹ đạo phát triển bình thường của nó và đã vẫn phát triển mặc cho những khó khăn nhất định về kinh tế. Ta có thể kỳ vọng tốc độ phát triển 6-7%/năm hàng năm như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra” - chuyên gia này khẳng định.

Chỉ đạo hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các Bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như: Du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

Thứ ba, tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tuyển công chức bổ sung đủ số lượng chỉ tiêu.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn