MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập thơ đầu tay của NS Văn Cao được biên tập bởi 3 người bạn thân Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật

Có một nhà thơ Văn Cao khắc khoải

HUYỀN CHI - MI LAN LDO | 13/11/2023 14:13

Từ những bài thơ đầu tiên viết năm 1939 đến bài thơ cuối cùng “Tôi ở” viết tháng 8.1994, nhạc sĩ (NS) Văn Cao có di sản khoảng chừng 60 bài thơ, nhưng đủ để khắc họa chân dung một trong những tài năng thơ quan trọng bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại.

Có một Văn Cao khắc khoải trong thơ ca

Văn Cao là người nghệ sĩ tài hoa, có khả năng làm thơ, viết nhạc và vẽ tranh. Thế giới thơ và âm nhạc của ông có một sự hòa kết, trong thơ giàu tính nhạc, trong lời nhạc đậm chất thơ.

Trong cuộc trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - đánh giá: “Văn Cao là nghệ sĩ có nhiều sáng tạo trong thơ ca dù số lượng tác phẩm của ông không quá đồ sộ. Ông để lại những dấu ấn vô cùng sâu sắc, đặc biệt là khả năng kết hợp tính nhạc vào trong thơ, cách phối, cách gieo vần có tiết tấu, nhịp điệu. Ông khơi mở sáng tạo, có những đóng góp trong việc cách tân thơ.

Thơ ca của NS Văn Cao gắn với hành trình kháng chiến giữa bối cảnh lịch sử đầy biến động của dân tộc. Trong thơ ông, thời đại đầy khắc khoải với tình yêu nước. “Ngoại ô mùa đông năm 1946”, ông viết năm 1946, với nỗi đau dành riêng cho Hà Nội.

Năm 1956, NS Văn Cao đã viết trường ca “Những người trên cửa biển”, trở thành người khai sơn phá thạch thể loại này. Với bốn chương chia làm 16 khổ thơ, trường ca “Những người trên cửa biển” được viết trên tinh thần “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”. Trường ca về đất cảng của NS Văn Cao đã xác lập một vị trí nhất định trong nền thơ Việt Nam thế kỷ XX.

Những bài thơ đặc sắc của NS Văn Cao được mọi người nhắc đến là “Năm buổi sáng không có trong sự thật”, “Những bó hoa”, “Nguyệt thực”, “Sự sống thật”, “Khuôn mặt em”, “Quy Nhơn”, “Thời gian”, “Khúc biến tấu tuổi 65”… NS Văn Cao mong muốn “Qua một bài thơ, người ta thấy ngay con người của nhà thơ đang sống thực” (trích “Mấy ý nghĩ về thơ”).

“Thời kháng chiến, thơ Văn Cao mang tính sử thi, anh hùng ca. Có giai đoạn, thơ Văn Cao đi vào thường nhật của cuộc sống, đi vào đời tư, thể hiện những trăn trở, suy tư. Sau này, có những tác phẩm mang tính tự bạch, có những tiếng nói thầm thì, nhưng tâm sự của Văn Cao luôn ánh lên tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước” - PGS.TS Trần Khánh Thành bình luận.

Như nhận xét của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về thơ Văn Cao: “Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ ông thật đến siêu thực. Thơ ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên”.

Văn Cao và cuộc cách mạng thơ

Nói về thơ Văn Cao, PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) mô tả: “Cách mạng và cách mạng thơ là 2 khái niệm luôn đi cùng nhau khi nhắc đến thơ của NS Văn Cao. Như chúng ta đã biết, NS Văn Cao có thời gian lưu văn khá dài. Giai đoạn im lặng đó khiến cho việc tập hợp những di cảo và các tác phẩm ông đã viết trở nên khó khăn. Tôi tin rằng, chúng ta vẫn chưa tìm thấy hết những gì Văn Cao đã viết. Trong cuộc tìm kiếm đó, tôi tìm thấy một văn bản rất độc đáo, đó là tập thơ “Những ngọn đèn” của Yến Lan xuất bản năm 1957. Tập thơ này do Văn Cao vẽ bìa và viết lời giới thiệu”.

Trong lời đề dẫn tập thơ, NS Văn Cao viết: “Sự chuyển hướng của thơ ca không phải là công việc xếp đặt hình thức theo bậc thang hay theo một hình kỷ hà mà là sự chuyển hướng về cách nghĩ, cách nhìn và cách gợi của nhà thơ”.

Ở đây, Văn Cao không chỉ là một nhà thơ, mà là một nhà phê bình. Ông thể hiện một phẩm chất rất đặc biệt, hài hòa giữa cái sâu sắc, tinh tế của một người cảm thụ nghệ thuật, vừa thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ rất đẹp, rất đặc biệt. Đây là dịp để Văn Cao thể hiện những quan niệm của ông về nghệ thuật. Ông cho rằng, trong thơ có cái đang chảy và có cái đọng lại.

Trong thời đại mới, chế độ mới, đất nước mới, Văn Cao nói: “Lần này, những người văn nghệ nào không có một thái độ yêu ghét rõ ràng và sáng suốt thì không thể nào thành công trong tác phẩm được. Càng gần thực tế bao nhiêu thì mỗi tác phẩm đều mang được sự sống bấy nhiêu, càng gần thực tế thì tác phẩm càng luôn mới bởi vì cuộc sống của chúng ta luôn đổi mới”.

NS Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện từ trước 1945, ở hậu kỳ của thơ Mới. Ngay từ thời ấy, với tư cách người văn nghệ, Văn Cao đã dấn thân trọn vẹn với tư cách con người hành động của cách mạng. Chống lại mọi sự bảo thủ, với ông, nhà thơ phải được chuyển hóa trong cuộc cách mạng thơ và cách mạng văn nghệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn