MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trong phim "Mùi cỏ cháy". Ảnh: Nhà sản xuất

“Có tuổi hai mươi thành sóng nước” và huyền thoại Quảng Trị

Bình An LDO | 27/07/2024 17:47

Đạo diễn Hữu Mười từng kể, ông đã khóc khi đọc tư liệu lịch sử về 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Năm 2010, Hãng phim truyện Việt Nam nhận phim đặt hàng về trận chiến 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở thành cổ Quảng Trị. Đây là cuộc chiến khốc liệt bậc nhất của Chiến dịch Xuân Hè năm 1972.

Bài thơ của nhà thơ - cựu chiến binh Lê Bá Dương từng chạm đến tâm can biết bao thế hệ người đọc: Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...

Đạo diễn Hữu Mười kể, khi bắt tay vào thực hiện dự án phim “Mùi cỏ cháy”, ông đã đến thăm thành cổ Quảng Trị, gặp gỡ những cựu chiến binh từng tham gia trận chiến ác liệt năm 1972. Những người cựu chiến binh già khi về thăm lại chiến trường xưa vẫn dặn nhau, khi đến thành cổ hãy bước chân thật nhẹ, kẻo làm đau những người đã ngã xuống, bởi đất ở thành cổ đều là xương máu liệt sĩ...

Khi đọc những lá thư của các liệt sĩ gửi về cho gia đình, người thân và đọc cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, đạo diễn Hữu Mười đã không cầm được nước mắt.

Kịch bản “Mùi cỏ cháy” được cố biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lấy ý tưởng từ nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

Vào thời điểm ra mắt năm 2005, cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” đã trở thành hiện tượng của ngành xuất bản, khi được phát hành với số lượng lớn, thu hút đông đảo độc giả, tạo nên trào lưu đọc “Mãi mãi tuổi 20” trong nhiều thế hệ.

Cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc từng là hiện tượng xuất bản năm 2005. Ảnh: Chụp màn hình

“Mãi mãi tuổi 20” được biên soạn, trích đăng lại một phần từ cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Cuốn nhật ký được viết từ ngày 2.10.1971 và dừng lại dòng cuối cùng được viết tại Ngã ba Đồng Lộc vào ngày 3.6.1972.

Sau khi hành quân đến Ngã ba Đồng Lộc, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã quyết định gửi cuốn nhật ký về cho anh trai mình rồi tiếp tục hành quân vào chiến trường Quảng Trị.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hy sinh ngày 30.7.1972 - những ngày khốc liệt nhất trong 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Khi hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc tròn 20 tuổi (1952-1972).

Trong phim Mùi cỏ cháy, đạo diễn Hữu Mười lấy lại chi tiết từ nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc để xây dựng thành tình tiết nhân vật Thăng làm thơ tặng bạn gái và hẹn sẽ gặp nhau vào tháng 4.1975.

“Trong một bức thư liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi bạn gái là Như Anh đã viết: “Hẹn đến ngày 30.4.1975 sẽ trả lời cho câu bạn câu hỏi, hạnh phúc là gì?”. Câu này anh Thạc viết 2 lần. Và không ai giải thích được, tại sao anh lại biết được ngày 30.4.1975 là ngày toàn thắng? Trong phim, tôi có ý xây dựng nhân vật Thăng mang hình ảnh anh Thạc. Tôi xây dựng Thăng là một chàng trai trẻ, bình thường, yêu thơ ca. Không phải là người có khả năng dự đoán tương lai. Tôi cũng bỏ ngày 30 đi, chỉ dám để tháng 4.1975 là ngày hẹn gặp. Anh Thạc đã tiên liệu quá chính xác, nếu đưa vào phim, đôi khi thành khiên cưỡng. Nhưng điều đó thật kỳ diệu, không ai giải thích được” - đạo diễn Hữu Mười nói.

“Mùi cỏ cháy” lấy nhiều tư liệu từ cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” xoay quanh cuộc chiến của những người lính trong trận đánh 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Nhà sản xuất

“Mùi cỏ cháy” xoay quanh 4 nhân vật Hoàng - Thành - Thăng - Long, là những sinh viên Đại học Tổng hợp đã xếp lại bút nghiên, rời giảng đường đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, chi viện cho chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Họ đại diện cho cả một thế hệ trẻ đã gửi lại thanh xuân của mình lên đường chiến đấu quên mình vì tổ quốc, “Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/... Nhưng họ đã làm ra đất nước” (Trích Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn