MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Chuyển động vòng xoan"- một tác phẩm triển lãm toàn quốc Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018. Ảnh: PV

Công tác giám khảo và thẩm định ảnh: Khó nên phải thay đổi, dám nghĩ và dám làm

VIỆT VĂN (lược ghi) LDO | 18/10/2018 07:30
Trại tập huấn công tác giám khảo và trao đổi nghiệp vụ thẩm định ảnh 2018 diễn ra tại Đà Nẵng do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam quy tụ trên 60 hội viên về dự. Nhiều vấn đề mang tính phổ quát và mang tính nghiệp vụ được đề cập, mổ xẻ kỹ lưỡng, không hiếm những ý kiến khá gay gắt, phản biện...

Nhiều ý kiến đáng chú ý

Ông Phạm Văn Tý - Phó Chủ tịch Hội NSNA - trong bản tham luận "Vai trò của chủ khảo trong chấm ảnh" có nêu ý về tính chính trị trong ảnh nghệ thuật, khi có nhiều hội viên chưa hiểu đúng, cho rằng nhiều khi ảnh nghệ thuật không liên quan gì đến chính trị.

Một tác phẩm ảnh tốt giới thiệu được vẻ đẹp, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, đó là bức ảnh có tính chính trị. Trước hết, người chủ khảo phải nắm vững chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng cũng như định hướng sáng tác của Hội.

Ông Tý cho rằng: Sau mỗi cuộc thi, cần thiết phải có những đánh giá cơ bản về chất lượng tác phẩm tham dự, đặc biệt phân tích về các tác phẩm đạt giải góp phần định hướng sáng tác, điều lâu nay chưa làm được.

Tham luận về tiêu chí chấm chọn ảnh báo chí và phóng sự ảnh của nhà báo Nguyễn Thành - Phó Trưởng ban Lý luận phê bình Hội NSNA Việt Nam - công phu, kỹ lưỡng. Chỉ tiếc, việc minh họa chỉ bằng ảnh nước ngoài lại từ thời xưa cũ khiến một số đại biểu tiếc rằng nếu đưa ảnh báo chí trong nước thì thuyết phục hơn.

Ý kiến của phóng viên ảnh Khắc Hường về cần thiết sử dụng photoshop trong ảnh báo chí để làm “đẹp” hơn nhân vật bị nhiều đại biểu phản ứng mạnh, còn nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn phát biểu khách quan cho rằng đó chỉ là đặc thù của một tờ báo, không thể áp dụng đại trà.

Ý kiến chung khá thống nhất: Ảnh báo chí phải tôn trọng hiện thực, không cắt ghép photoshop, còn ảnh nghệ thuật thì tùy vào từng cuộc thi.

Đại biểu Trần Phong (Gia Lai) nêu ý kiến hiện vẫn tồn tại 2 quan niệm: xử lý chắp ghép và không xử lý chắp ghép trong ảnh nghệ thuật. Có nhiều người dị ứng, "nói không” với photoshop và không hiểu về công cụ phần mềm rất hiệu quả.

Với kinh nghiệm chấm ảnh trong nước và mấy năm gần đây tham gia chấm ảnh quốc tế, ông cho rằng yếu tố nghệ thuật, giá trị nhân văn xã hội là tiêu chí cao nhất chấm ảnh nghệ thuật. Và để nâng cao chất lượng ảnh, với các liên hoan khu vực không nên chấm kiểu phong trào, ưu tiên tỉnh đăng cai hay tỉnh này, tỉnh khác mà cần minh bạch, sòng phẳng.

Tiêu chí chấm chọn ảnh đơn và ảnh bộ nghệ thuật do nghệ sĩ Lý Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật trình bày. Việc chấm online theo thang điểm từ 2-9 hay từ 1-5 cũng gây nhiều tranh cãi, khi một số cho rằng ở Việt Nam chỉ nên chấm từ 1-5 cho tập trung, số khác cho rằng từ 2-9 sẽ tốt hơn.

Tham luận “Một số vấn đề liên quan đến chấm chọn ảnh online” của NSNA Bùi Hỏa Tiễn - Trưởng ban Sáng tác - Triển lãm nêu nhiều ưu nhược điểm của phương thức chấm online. Ông Tiễn có nêu ý kiến mạnh dạn tổ chức chấm online truyền trực tiếp cho các tác giả dự thi theo dõi nhằm nâng cao tính minh bạch, đồng thời tạo áp lực buộc các giám khảo tập trung, phát huy trách nhiệm và trình độ năng lực.

Giám khảo phải rèn mình và tự nâng cao trình độ hơn

Ông Lê Xuân Thăng - Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM - nhắc lại lời của nghệ sĩ Duy Anh (Tiền Giang) “làm giám khảo phải mặc áo giáp đi chấm” và vì "giám khảo là... giám khổ”, hy sinh thời gian, nhiều khi cả danh dự. Bị “ném đá” nhiều, áp lực về trách nhiệm, trong khi thù lao thấp, chủ yếu là tình nguyện với phong trào nhiều hơn.

Phải làm tốt 3 đầu mối, công tác tổ chức (thể lệ cuộc thi phải tốt), tác giả và giám khảo. Phải kéo những người yêu ảnh đến gần hội. Việc sử dụng facebook cũng cần lưu ý khi có hội viên đã làm mất uy tín hội khi phát biểu thiếu ý thức trên mạng xã hội.

Giám khảo phải tự rèn hơn nữa, không “chạy sô”, không làm hết trách nhiệm để khỏi mang tiếng “ảnh đoạt giải xấu hơn ảnh triển lãm, ảnh triển lãm kém hơn ảnh bị loại”.

Việc giám khảo còn lẫn lộn khi chấm ảnh báo chí và nghệ thuật cũng là thực tế đáng lưu ý. Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Bùi Minh Sơn (TPHCM) cũng nhấn mạnh: Có những giám khảo không theo kịp sự phát triển về công nghệ nhiếp ảnh dẫn đến những nhận xét và phán quyết chưa chính xác.

Photoshop đến đâu là giới hạn?

Ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam - lấn cấn vấn đề chất lượng tác phẩm ảnh và vai trò của giám khảo, nổi cộm là xử lý ảnh bằng photoshop. Đặc biệt là việc chắp ghép làm đẹp và bắt mắt hơn nhưng được xử lý ở mức độ nào là vấn đề khó, vì thái quá là giả.

Các nghệ sĩ phía Bắc quan tâm nhiều hơn tới nội dung, phía Nam quan tâm nhiều hơn tới nghệ thuật, chưa kể Hội NSNA là thành viên của Fiap, và nhiều nghệ sĩ tham gia các cuộc thi khác nên bị lôi kéo bởi các cách chơi khác…

BCH Hội cũng lúng túng. Ảnh của các nghệ sĩ Việt Nam sẽ không chỉ chơi cho cuộc thi mà còn là ảnh tư liệu, di sản ảnh sau này, chứ ảnh Fiap không thể là ảnh di sản của quốc gia.

Về công tác giám khảo, việc mời nhiều NSNA Việt Nam tham gia chấm ảnh, tạo được sự thay đổi trong việc thẩm định. Cái nhìn, đánh giá ảnh đa dạng, phong phú hơn, phát hiện nhiều cái mới hơn so với trước đây. Đồng thời từng bước xây dựng được đội ngũ giám khảo trẻ có nhiều thành tích trong sáng tác, nhiều giải thưởng, giỏi công nghệ, rèn luyện thêm phương pháp "đọc" ảnh để dần thay thế lớp giám khảo lớn tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn