MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động đón khách tham quan hang Luồn từng được diễn ra tấp nập dù không được cấp phép. Ảnh: PV

Công trình trái phép Tràng An: Sai phạm liên tiếp sai phạm

Đ.B LDO | 16/07/2018 19:30
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, sai phạm của công trình trái phép tại núi Cái Hạ không chỉ dừng lại ở việc “xây dựng chui” cầu bêtông.

Chuyên gia khảo cổ học khẳng định, tổn thất mà núi Cái Hạ và khu di sản Tràng An phải gánh chịu sau khi bị hàng chục khối bêtông cắm sâu vào lòng đất là rất đau lòng.

Điều đáng nói, ngoài việc xây dựng công trình cầu bêtông xuyên vũng lõi, chủ đầu tư (Công ty cổ phần du lịch Tràng An) còn tổ chức đón khách tham quan hang Luồn bằng thuyền khi chưa được cấp phép. 

Đơn vị này cũng tự ý đặt tên là “Tràng An cổ”, trong khi không có một căn cứ nào để khẳng định đây là vùng “cổ” của Tràng An.

 Một góc bến thuyền từng đón khách tham quan bất chấp việc không được cấp phép hoạt động kinh doanh và sự quản lý của chính quyền địa phương. Ảnh: PV

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay: “Theo dõi sự việc ngay từ những ngày đầu, tôi rất đỗi ngạc nhiên và không thể hiểu được vì sao người ta lại để cho một công trình như thế ngang nhiên mọc lên. Chiếc cầu bêtông ấy phản cảm vô cùng khi được đặt giữa lòng khu rừng đặc dụng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Cần phải chỉ rõ ra ai là người phụ trách chính về những sai phạm này?”.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, về nguyên tắc, đối với một công trình đã được UNESCO công nhận thì làm gì cũng phải xin phép. Ở đây, không chỉ người làm (Công ty cổ phần du lịch Tràng An) tỏ ra coi thường, không xin phép mà người quản lý (lãnh đạo các cấp chính quyền Ninh Bình) cũng buông lỏng, thậm chí có dấu hiệu nhắm mắt làm ngơ.

“Hoạt động đón khách tham quan diễn ra công khai, một công trình "khủng" được xây dựng hàng tháng trời rồi hoàn thành, đi vào khai thác mà không một cơ quan nào xử lý được triệt để thì không thể hiểu công tác quản lý của họ như thế nào”, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam chất vấn.

 Núi Cái Hạ khó trở lại cảnh quan ban đầu sau khi bị xâm hại bởi hàng chục khối bêtông từ công trình trái phép.

Ông Nguyễn Lân Cường khẳng định, đây là vấn đề thực sự nghiêm trọng vì ảnh hưởng mà cầu bêtông gây ra đối với núi Cái Hạ là quá nặng nề và lâu dài. Phải mất rất lâu nữa, thậm chí là không bao giờ di sản thiên nhiên này có thể quay lại vẻ nguyên sơ ban đầu.

“Giải pháp trồng hoa giấy trên núi để che lấp những vết cũ do công trình trái phép để lại cũng rất vô lý, thể hiện sự thiếu hiểu biết về văn hóa. Không ai trồng hoa giấy trên các dãy núi đá vôi cả, rất khập khiễng, thiếu đồng nhất về cảnh quan”, ông nhấn mạnh.

Chuyên gia khảo cổ học cũng lo ngại, nếu núi Cái Hạ vẫn tiếp tục được quản lý bởi một đơn vị “nổi tiếng” với nhiều sai phạm trong khai thác kinh doanh thì khả năng di sản thiên nhiên này được đầu tư để phục hồi là rất khó!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn