MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài dự thi của nhóm anh Phạm Trung Hiếu. Ảnh: NVCC

"Cột mốc số 0" nhắc nhớ lịch sử trên hiện tại

Linh Chi - Vy Vy - Sở Hạ LDO | 15/08/2020 12:37
Sau 11 năm, ý tưởng cần phải có cuộc thi thiết kế cột mốc số 0 Hà Nội của PGS Hà Đình Đức thành sự thật. Và nhóm giảng viên trẻ tuổi của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã giành giải nhất với bản thiết kế “Cổng ánh sáng”.

Người đi tìm cột mốc số 0

Ngày 1.1.2009, PGS Hà Đình Đức viết tờ trình lên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề xuất về việc dựng cột mốc số 0 ở Hồ Gươm. Trong tờ trình, PGS viết: “Không gian văn hoá Hồ Gươm tiêu biểu cho văn hoá nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Chính nơi đây, triều Lý Thái Tông (1057) đã dựng Tháp Báo Thiên là 1 trong 4 công trình kỳ vĩ thế kỷ 11. Suốt chiều dài 1.000 năm Thăng Long, khu vực Hồ Gươm vẫn là vùng địa linh của kinh đô Thăng Long xưa cũng như Thủ đô Hà Nội nay. Từ Hồ Gươm, các con đường toả đi mọi miền Tổ quốc. Các con đường từ các miền đất nước lại tụ họp về Hồ Gươm.

Để tiến tới kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tôi xin trân trọng đề nghị UBND TP.Hà Nội dựng một tháp “Hà Nội - Km 0” bằng loại đá quý của Việt Nam tại khu vực Hồ Gươm với diện tích khoảng 4-6 m2, cao 3m trên Bờ Hồ góc đường Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay. Trên tháp đó có logo kỷ niệm và hai dòng chữ “Thăng Long - Hà Nội 1010-2010”; “Hà Nội - Km 0”. Tổ chức một cuộc thi để chọn mẫu đẹp nhất”.

PGS Hà Đình Đức cho rằng, cột mốc số 0 được xây dựng một cách chỉn chu ở Hồ Gươm sẽ có thể trở thành điểm nhấn của Thủ đô, thu hút khách du lịch. Từ trước đến nay, có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định vị trí cột mốc số 0 ở Hà Nội. Có ý kiến nói rằng, nguyên tắc đặt cột mốc số 0 là ở bưu điện để tính tiền cước, do vậy, Bưu điện Hà Nội mặc định là cột mốc số 0. Một số khác cho biết, cách đây cả trăm năm, người Pháp đã có đặt cột mốc số 0 tại tòa Đốc lý, nay là trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.

Những ý kiến tranh luận dường như không có hồi kết. Trên thế giới, rất nhiều nước cũng đã đặt cột mốc số 0 tại những địa điểm du lịch nổi tiếng như Cột mốc số 0 trước Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), Quảng trường Đỏ Moscow (Nga), Cung điện Hoàng gia Buda ở Budapest (Hungary)… Những cột mốc này không bắt buộc ở một vị trí cố định nào mà có thể thay đổi theo thời gian, tuỳ vào từng hoàn cảnh.

PGS Hà Đình Đức cũng cho rằng, cột mốc số 0 ở Hồ Gươm mang ý nghĩa văn hoá nhiều hơn là ý nghĩa về đo lường đường xá. Vì vậy, nó không chỉ đơn thuần là cột mốc để tính khoảng cách từ Hà Nội đến các địa phương khác mà còn là điểm du lịch ý nghĩa, trở thành trái tim của Thủ đô.

Hà Nội km0 thành hiện thực với “Cổng ánh sáng”

Sau 11 năm, ý  tưởng cần phải có cuộc thi thiết kế cột mốc số 0 Hà Nội của PGS Hà Đình Đức thành sự thật. Và nhóm giảng viên trẻ tuổi của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã giành giải nhất với bản thiết kế “Cổng ánh sáng”. Dường như quá khứ và hiện tại luôn có một sợi dây kết nối vô hình, đặc biệt là ý nghĩa của Hà Nội km0. Không chỉ mang tính cột mốc, Hà Nội km0 với PGS Hà Đình Đức hay với “Cổng ánh sáng” đều có ý nghĩa, từ Hồ Gươm - trung tâm của Thủ đô Hà Nội, các con đường sẽ toả đi mọi miền Tổ quốc, các con đường từ các miền đất nước lại tụ họp về Hồ Gươm.

Anh Phạm Trung Hiếu - trưởng nhóm giảng viên Đại học Kiến trúc, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội - đã có 43 năm gắn bó cùng Thủ đô. Gắn bó với phố cổ, hơn ai hết chính anh là người có cảm nhận sâu sắc nhất về vùng đất này, khi hàng ngày được chứng kiến những đổi thay, ngắm nhìn Hà Nội phát triển.

Địa điểm được anh Hiếu và nhóm thiết kế lựa chọn chính là khu vực khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ - một địa điểm hiếm người “dám” đặt thêm một thứ gì. Dưới góc nhìn của anh, địa điểm này là miền giao thoa giữa hai tuyến quan trọng: Tuyến thứ nhất nối UBND Thành phố Hà Nội (toà thị chính cũ thời Pháp thuộc) và toà nhà Bưu điện, tuyến thứ hai là trục chính của vườn hoa Lý Thái Tổ đi qua tượng đài nhà vua hướng tới Tháp Rùa. Với vị trí đó, “Cổng ánh sáng” như một điểm nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử hào hùng của mảnh đất Thăng Long với những nét văn hoá hiện đại.

Bài dự thi của nhóm anh Phạm Trung Hiếu. Ảnh: NVCC

“Cổng ánh sáng” nhắc nhớ lịch sử trên hiện tại

Sau khi tham khảo vô vàn ý tưởng các cột mốc số 0 trên thế giới, anh Hiếu và cả nhóm quyết định lựa chọn cột mốc sẽ là mặt phẳng để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan lịch sử. Anh cười, bảo, điều đó khiến bản thiết kế này giữ đúng “chất thanh lịch của người Tràng An”.

Sự tinh tế trong việc lựa chọn địa điểm, hình dáng thiết kế của anh và "đồng đội" khiến chúng tôi bất ngờ. Nhưng chưa dừng lại ở đó, sự ngạc nhiên lớn hơn xuất hiện khi anh bắt đầu giải thích từng chi tiết, hoa văn trên bản thiết kế. Anh Hiếu kể, bản thiết kế được giải nhất km0 “Cổng ánh sáng” cũng chính là bản vẽ phác tay đầu tiên, không sửa đổi nhiều. Sự say mê, hào hứng từ anh khiến ai cũng cảm nhận được một tình yêu Hà Nội luôn sẵn có và sẵn sàng được bung ra bất cứ lúc nào.

“Cổng ánh sáng” được đặt trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, đối diện với di tích Hồ Gươm. Nhóm anh Hiếu đã tính toán chi tiết từng viên gạch để có thể cân đối được vị trí. Bởi, đây không chỉ là một cột mốc bình thường mà phải là nơi thể hiện được ý nghĩa của Hà Nội, phải thật nổi bật để mọi người lướt qua phải dừng lại nhìn ngắm.

Để thể hiện ý tưởng của mình, anh Hiếu đã thiết kế biểu tượng Km 0 trên mặt phẳng đúc đồng, bên trong là những hình vuông từ tâm toả ra đến xung quanh với đúng 63 đường vân tượng trưng 63 tỉnh thành nước Việt.

“Nếu để ý kỹ sẽ thấy những hình vuông này đều có một điểm nối, và có điểm nối với tâm, tôi muốn mọi người hiểu rằng từ Hà Nội sẽ có các con đường toả ra khắp các tỉnh thành trên cả nước. Về những hoạt tiết nửa hình tròn, hình tam giác và hình vuông, có thể nhiều người sẽ thấy lạ, nhưng nó tượng trưng cho núi đồi, mây nước và làng mạc cũng như con người đất Việt. Việc sử dụng các hoạ tiết cũ khiến tôi có cảm giác bản thiết kế sẽ bị cũ đi vậy nên sáng tạo hoạ tiết mới sẽ khiến cột mốc số 0 mang nét hiện đại hơn. Còn mặt phẳng hình vuông, đúc đồng nhìn bình thường sẽ chỉ giống như một chiếc chiếu thôi, mà cái này quá quen thuộc với người Việt rồi, ai cũng sẽ thuận mắt hơn khi nhìn. Tôi nghĩ nó sẽ tối ưu hơn là một cột mốc nhô lên” -anh Hiếu giải thích.

Điểm được anh Hiếu và cả nhóm tâm đắc nhất vì nó thể hiện được đúng ý tưởng “có như không có”: “Cánh cổng km0 này hữu hình mà không chiếm dụng không gian, hữu hình mà không cản trở thị giác, vẫn hài hoà cảnh quan hiện hữu, lấy truyền thống lịch sử, văn hoá của địa điểm làm nền tảng. Hình ảnh không nắm bắt được nhưng vẫn tồn tại mạnh mẽ và đầy ấn tượng - điều này rất tương đồng với những giá trị phi vật thể đậm đặc quanh đây”.

“Cổng ánh sáng” với sự kết hợp giữa văn hoá truyền thống và công nghệ hiện đại sẽ là biểu tượng mới của Thủ đô đang ngày càng tiến lên, hoà nhập với thế giới. Anh và những người đồng đội đã dùng chính tình yêu quê hương, đất nước để truyền tải thông điệp từ sự “vô hình nhưng hữu hình”: “Dấu ấn lịch sử vẫn còn đó, cho dù có hiện đại hơn, tươi mới hơn thì cũng hãy luôn nhớ về quá khứ, cội nguồn nơi những người đã hy sinh cho hòa bình hôm nay. Khi nhìn ngắm cánh cổng này, tôi mong mỗi người sẽ tò mò, để rồi khi tìm hiểu sẽ luôn trân quý những giá trị lịch sử hàng nghìn năm”. Và nếu thành hiện thực, “Cổng ánh sáng” chắc chẳn sẽ là nơi “gặp gỡ” của các thế hệ, từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn