MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Già làng làm lễ cúng rừng trước sự chứng kiến của dân làng và chính quyền địa phương huyện Ia Grai. Ảnh T.T

Cúng rừng để “thần rừng” bảo vệ dân làng người Jrai

THANH TUẤN LDO | 23/10/2021 16:00

Gia Lai - Người đồng bào Jrai ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai từ bao đời nay vẫn lưu truyền nét văn hóa lễ hội cúng rừng độc đáo. Cúng rừng là để người dân đồng tâm hiệp lực bảo vệ cây rừng trước lưỡi cưa lâm tặc và cũng là để rừng chở che cho dân làng trước mỗi mùa mưa bão.

This browser does not support the video element.

Ia Pếch là xã biên giới, nơi có vùng rừng núi hiểm trở, đặc biệt là chính quyền địa phương và người dân còn bảo vệ được diện tích rừng khá lớn. Từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, xã Ia Pếch đã thuê 14 người bản địa Jrai bảo vệ 870ha rừng thuộc xã này quản lý. Dù tình trạng lâm tặc khai thác gỗ trái phép nhiều nơi ở Gia Lai nhưng vùng rừng xã Ia Pếch vẫn không bị xâm hại.

Truyền thống giữ rừng, giữ đất luôn được người Jrai trân trọng phát huy và bảo tồn. Hàng năm, các già làng ở xã Ia Pếch lại cùng con cháu tổ chức làm lễ cúng rừng. Từ sáng sớm, hàng trăm già trẻ, gái trai trong làng đã có mặt ở khu vực rừng của xã để làm lễ cúng. Tùy theo điều kiện mà lễ cúng được tổ chức với quy mô khác nhau nhưng thường lúc nào cũng có rượu ghè, cơm lam, gà nướng để cúng thần rừng.

Các già làng uy tín ở xã Ia Pếch tại buổi lễ cúng rừng quan trọng. Ảnh: T.T

Lễ cúng rừng đặc biệt có sự tham gia của chính quyền, Kiểm lâm, dân quân tự vệ. Bên chén rượu cần, sau lễ cúng người dân làng cùng ăn thịt, uống rượu với nhau vui vẻ, hứa với nhau cùng giữ rừng cây quê hương. Việc nấu nướng, làm lễ trong rừng diễn ra bên con suối, đặc biệt không ai được chặt, bẻ một cây rừng, dù là cây nhỏ nhất. Nếu ai vi phạm sẽ bị già làng phạt nặng.

Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Diện tích rừng ở xã Ia Pếch rất rộng lớn, do đó kiểm lâm với nhân lực hạn chế không thể bao quát, bảo vệ hết được. Nhờ mỗi người dân, già làng tuyên truyền, vận động đã bảo vệ được rừng, nạn xâm lấn đất rừng để làm rẫy cũng ngày giảm dần. Do đó, ý nghĩa của tục cúng rừng góp phần giữ “lá phổi xanh” cho Tây Nguyên, để giữ lại rừng cho thế hệ con cháu mai sau”.

Nhờ có rừng che chở, hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ít khi xảy ra ở địa hạt xã Ia Pếch. Người dân sống yên bình, nước suối trong lành và được thu hái các lâm sản phụ từ rừng giúp họ có thêm công ăn việc làm ổn định đời sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn