MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ảnh chụp từ trailer phim qua màn hình

Cuộc đấu của những đạo diễn “triệu đô” và những cái tên khác

Việt Văn LDO | 18/11/2021 13:30

Hiếm có một Liên hoan phim (LHP) nào như năm nay khi 16 phim truyện được tuyển chọn vào hạng mục dự thi lại đa dạng, nhiều màu sắc đến vậy từ những đạo diễn “triệu đô” đến những tên tuổi gạo cội và những gương mặt mới đang khát khao tạo dựng tên tuổi và phong cách riêng. Ai sẽ là người chiến thắng sau cùng?

Nhìn vào danh sách các phim dự thi thấy khá đủ các dòng phim từ Nhà nước đặt hàng (5 phim) đến phim tư nhân, phim của đạo diễn Việt kiều và phim độc lập. Khá nhiều phim được dán nhãn 16+, 18+ cho thấy đối tượng khán giả được các nhà làm phim Việt nhắm đến đa phần là lớp trẻ từ 18-25 tuổi. Việc đầu tư cho phim truyện cũng ngày càng sang chảnh hơn như “Gái già lắm chiêu 5”.

Doanh thu “khủng” là một lợi thế

Phim “Bố già” với cặp đôi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành với con số trên 400 tỉ đồng trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại nên chắc chắn Ban giám khảo không thể bỏ qua. Trong bối cảnh điện ảnh Việt đang trên đường xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh, khi điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là một trong những ngành kinh tế thì phim có doanh thu khủng đương nhiên là một chỉ số quan trọng. Tuy nhiên xét về yếu tố nghệ thuật thì không phải ai cũng đánh giá cao “Bố già” dù thừa nhận tính nhân văn và “thoại hay, phim đời” như nhiều bạn trẻ nhận xét. Bởi sự tìm tòi trong ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh, sự mới mẻ trong cách kể chuyện còn chưa đậm nét.

“Mắt biếc” của đạo diễn “triệu đô” Victor Vũ  là một mảng màu riêng. Vốn nổi danh vừa thắng doanh thu phòng vé, vừa giành vinh quang ở LHP quốc gia và Cánh diều Hội điên ảnh VN, Victor Vũ có khả năng làm những đề tài đa dạng từ  “Chuyện tình xa xứ” , “Thiên mệnh anh hùng” đến “Scandal - bí mật thảm đỏ”, “Cô dâu đại chiến”, “Quả tim máu”, “Người bất tử”… Vũ cũng tạo nên một “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” làm gợi nhớ một tuổi học trò lãng mạn, và “Mắt biếc” như sự tiếp nối của sự lãng mạn đó, nhưng lại chưa gây hiệu ứng như mong đợi về nghệ thuật (dù doanh thu rất cao, khoảng 180 tỉ đồng) bởi trong thời đại 4.0 này, tình yêu chờ đợi của Ngạn với Hà Lan khó tìm thấy sự cảm thông.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Dũng “khùng”) tạo nên nhiều cơn sốt trong quá khứ (“Những nụ hôn rực rỡ”, “Nụ hôn thần chết”, “Giải cứu thần chết”, “Mỹ nhân kế”…) sau chuyển sang dòng phim chuyển thể (Dạ cổ hoài lang) và remake. Tiếp nối phim remake “Tháng năm rực rỡ” khá thành công, thì “Tiệc trăng máu” thắng lớn về doanh thu với khoảng 175 tỉ đồng. Tuy nhiên phim remake sẽ không được trao giải phim và giải kịch bản, còn các giải cá nhân khác được trao bình thường.

“Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy khi ra rạp chiếu lập thành tích cho dòng phim độc lập với 63 tỉ đồng và giải đạo diễn xuất sắc phim đầu tay khó lọt khỏi tay Huy. Cũng lưu ý là bản phim “Ròm” chiếu được giải ở LHP Busan (Hàn quốc) vi phạm Luật Điện ảnh vì chưa cấp phép so với bản phim đã có sửa chữa được cấp phép phổ biến trong nước và dự thi LHPVN 22 là khác nhau.

Thách thức và sáng tạo

“Bình minh đỏ” (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam), phim chiến tranh của đạo diễn, NSND Thanh Vân là câu chuyện về trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, bối cảnh chiến dịch Tết Mậu Thân 1968... Một thách thức cho đạo diễn Thanh Vân vượt qua chính mình về đề tài sở trường chiến tranh và hậu chiến.

Sau một thời gian vắng bóng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trở lại với phim truyện “Khúc mưa” - một đề tài khó về hòa giải dân tộc. Theo anh: Bộ phim không kể bằng phương pháp trần thuật thông thường theo trình tự thời gian mà kể theo cách phản trần thuật, hiện tại và quá khứ đan xen với những bí mật được lật giở dần dần gây tạo sự bất ngờ, hấp dẫn khán giả. Một cách kể mới cho loại phim ít xung đột bên ngoài và nhiều xung đột nội tâm.

“Cơn giông” dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Lê Văn Thảo (từng đoạt Giải thưởng Hội nhà văn VN) dưới bàn tay của đạo diễn giàu kinh nghiệm Trần Ngọc Phong (Công ty cổ phần phim Giải phóng) khá chỉn chu, sạch sẽ,  câu chuyện có đầu cuối, lớp lang rõ ràng nhưng thiếu đi sự đột phá trong cách kể. Dù so với nhiều phim trước của Trần Ngọc Phong, “Cơn giông” là  một bước tiến của chính đạo diễn.

Phim độc lập ngoài “Ròm” còn có  “Miền ký ức” của nữ đạo diễn trẻ Bùi Kim Quy là 1 phim tốt, kinh phí vẻn vẹn khoảng 200 triệu đồng chững chạc với những tìm tòi thể nghiệm về kết cấu và cách kể bằng ngôn ngữ hình ảnh.  Câu chuyện phim không chỉ đề cập tới lối sống, phong tục tập quán xưa và nay, mối quan hệ trẻ - già hay tình thân gia đình mà sâu xa hơn là ý nghĩa của cái chết. Một số chi tiết ẩn dụ trong phim khá ấn tượng. “Miền ký ức” là một sự bứt phá hẳn so với “Người truyền giống” trước đây của Bùi Kim Quy.

Những cái tên mới khó chen chân vào cuộc đua. “Kiều” chỉ như sự khởi đầu của diễn viên - doanh nhân giàu tham vọng Mai Thu Huyền thử sức lần đầu vai trò đạo diễn. Cũng như “Lính chiến” của Nguyễn Mạnh Hà không nhiều hy vọng theo như một số người xem có nghề đánh giá dù phim dựa trên kịch bản của nhà văn Chu Lai...

Phim đoạt Bông sen vàng LHP 22 sẽ là một phim dung hòa giữa hai yếu tố doanh thu và sáng tạo nghệ thuật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn