MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại một công ty may mặc ở huyện vùng cao Phù Yên, tỉnh Sơn La cải thiện đời sống, an tâm sản xuất nhờ Công đoàn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ. Ảnh: Hùng Dân

Cuộc đời đơm hoa khi Công đoàn hết lòng vì người lao động

Ý Yên (thực hiện) LDO | 01/12/2023 06:16

Nguyễn Thị Thu Huyền, cây bút tự do sáng tác truyện ngắn “Kim chỉ và hoa”, đem đến làn gió mới vào “Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Tác giả viết về đổi thay của lòng người, cuộc sống thường ngày ở một làng quê miền Bắc trong quá trình công nghiệp hóa trong truyện ngắn “Kim chỉ và hoa”.

Vốn là dân văn phòng, không theo nghiệp viết văn chuyên nghiệp, lý do chị dấn thân vào cuộc thi với đề tài được đánh giá là khó khăn này là gì?

- Đây là lần đầu tiên tôi viết một tác phẩm lấy chất liệu từ cuộc sống đời thường. Công việc cho tôi điều kiện tiếp xúc nhiều với các anh chị em công nhân từ các khối nhà máy về may mặc, linh kiện, điện tử… Tôi từng ăn những bữa ăn cùng công nhân trong nhà máy, và trò chuyện, hiểu thêm về cuộc sống của họ. Vì vậy, khi biết đến thông tin về cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, tôi quyết định mình phải viết.

Vậy có bao nhiêu phần trăm chất liệu của truyện ngắn này đến từ những cảnh đời có thực?

- Thực ra những nhân vật trong “Kim chỉ và hoa” đều có bóng dáng những người ngoài đời. Cảm hứng có thể đến từ cảnh đời của những người tôi quen biết, hoặc những câu chuyện nghe bạn bè kể lại, không hoàn toàn là một trăm phần trăm nguyên mẫu, nhưng tôi có thay đổi một chút cho cụ thể hơn.

Ví dụ như tuyến nhân vật của gia đình ông Thản - người đứng ra thầu căn-tin của nhà máy và cắt xén tiền ăn của công nhân viên, tôi khắc họa khoảng 70% chất liệu từ đời thực.

Còn với nhân vật Kim, lãnh đạo công đoàn thì sao?

- Trước đây, tôi vốn không biết nhiều thông tin hay quan tâm về những câu chuyện xoay quanh công đoàn cơ sở. Hình ảnh chị Kim, cán bộ công đoàn, bắt nguồn từ một tình huống ngẫu nhiên.

Một lần, tôi đến gặp khách hàng ở Yên Mỹ, Hưng Yên, và tình cờ biết câu chuyện công ty của họ mới thành lập công đoàn cơ sở. Đoàn cán bộ Công đoàn tỉnh vận động nhà máy mới ấy thành lập Công đoàn cơ sở để hỗ trợ đời sống công nhân viên.

Khi ra về, tôi còn thấy một tấm biển rất lớn ghi dòng chữ: “Công đoàn luôn đồng hành cùng Đoàn viên và người lao động”. Sau chuyến đi ấy, tôi rất ấn tượng cách thức hoạt động của Công đoàn cơ sở tại các cụm công nghiệp.

Tại những nhà máy thiên về may mặc như ở Bình Dương và nhiều tỉnh thành phía Nam, Công đoàn cơ sở hoạt động rất tốt, có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Chuyện về nhân vật Kim, cán bộ công đoàn từng là một người lao động rời quê hương vào Bình Dương làm nhà máy, chính là một phần đời thật.

Tác phẩm có nhắc đến những địa danh cụ thể như Sóc Trăng, Bình Dương, Hà Nội, nhưng tại sao chị không nêu đích danh tên làng xã của những nhân vật đang sống?

- Tôi muốn hướng đến những làng quê miền Bắc nói chung. Khác với những khu công nghiệp được quy hoạch và đầu tư bài bản như ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, người lao động ở một số tỉnh thành khác ở phía Bắc đa phần làm việc trong những cụm công nghiệp nhỏ, chủ yếu là nhà máy may mặc. Tôi không nêu đích danh một địa phương nào để câu chuyện mang tính bao quát hơn.

Và mong ước của tôi gửi gắm vào nhân vật Kim chính là tương lai ở các cụm công nghiệp, nhà máy may nhỏ lẻ ở phía Bắc cũng có một Công đoàn cơ sở, cán bộ Công đoàn tâm huyết như trong “Kim chỉ và hoa”, để hỗ trợ nhiều hơn cho đời sống công nhân viên.

Tại sao chị đặt tên tác phẩm là “Kim chỉ và hoa”?

- Khi bắt đầu, tôi hướng đến những công nhân viên trong nhà máy may mặc, nên muốn chọn ra hình ảnh nào đó gần gũi nhất. Trong may mặc, kim chỉ mang tính biểu tượng. Dụng ý của tôi về tiêu đề này là muốn mở ra mối quan hệ giữa công đoàn với công nhân viên.

Công đoàn như mũi kim, công nhân viên chính là sợi chỉ. Công đoàn dẫn dắt công nhân viên, hai bên cùng hỗ trợ, hợp tác để tạo ra thành quả lao động, dẫn đến hình ảnh hoa trong tên truyện ngắn này. Thực ra, tiêu đề còn gắn với tên một nhân vật trong truyện là Thắm. Thắm là một công nhân, vươn lên làm chủ doanh nghiệp, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho những người khác trong làng xã. Đây là một bông hoa đẹp tỏa hương sắc rực rỡ nhất.

Chị gửi gắm một thông điệp gì trong truyện ngắn này?

- Trong truyện ngắn này, người đọc có thể thấy chiến thắng cuối cùng nghiêng về phía Công đoàn và người lao động. Tôi mong sau này khi các Công đoàn cơ sở hoạt động mạnh hơn, người lao động tin tưởng hơn vào Công đoàn.

Xin cảm ơn chị!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn