MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc đời giản dị và những năm tháng cuối đời của nhà văn Lê Lựu

Hải Minh LDO | 09/11/2022 18:50

Nhà văn Lê Lựu từng chia sẻ, chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân.

Nhà văn Lê Lựu rời làng quê ở Khoái Châu - Hưng Yên để tham gia cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Đây là thử thách để nhà văn Lê Lựu trở thành "người cầm súng", đồng thời cũng mở ra cơ hội cầm bút cho ông.

Nhà văn Lê Lựu trở thành nhà văn quân đội mang quân hàm Đại tá. Trong sự nghiệp của mình, ông có 2 tiểu thuyết gây tiếng vang là "Thời xa vắng" và "Sóng ở đáy sông".

Sinh thời, khi tự đánh giá về cuộc đời mình, ông cho biết: "Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi".

Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông“ cuả Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: TL

"Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân" - Nhà văn Lê Lựu từng chia sẻ.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói đến Nhà văn Lê Lựu với bốn "cái nhất". Đầu tiên là tiểu thuyết "Thời xa vắng" được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại.

Tiếp theo là chuyến đi Mỹ đầu tiên của một nhà văn cựu chiến binh Việt Nam (1988). "Cái nhất" thứ ba là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội do nhà văn Lê Lựu thành lập, như để khẳng định rằng kinh tế không thể tách rời văn hóa.

"Cái nhất" thứ tư nhưng là "cái nhất" xuyên suốt là chất nông dân với tất cả mọi sắc thái ý nghĩa của từ này.

Tiểu thuyết “Thời xa vắng“. Ảnh: TL

"Lê Lựu nhìn đã biết là người của nông thôn, làng quê từ dáng vẻ thân hình, lời ăn tiếng nói, cho đến quần áo trang phục, cách nghĩ cách cảm. Một chất quê vừa là đặc sản vừa là đặc trưng.

Ngẫm ra, suốt đời văn của mình, Lê Lựu chỉ viết về người nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy" - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Sức khỏe Nhà văn Lê Lựu suy yếu từ năm 2006, ông thường xuyên ra vào bệnh viện. Năm 2013, tại nơi ở thuộc trụ sở Trung tâm Văn hóa Doanh nhân ở Tam Trinh (Hà Nội), ông ngày ngày tập vật lý trị liệu.

Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, Nhà văn Lê Lựu vừa qua đời tại quê nhà - huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hưởng thọ 81 tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn