MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim "Dune". Ảnh: Nhà sản xuất

Cuốn sách làm nên cơn sốt khuynh đảo phòng vé của bom tấn "Dune"

Thùy Trang LDO | 01/04/2024 14:29

Cả hai phần của "Dune" (Hành tinh cát) đều đạt thành tích phòng vé cao. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Frank Herbert.

Ra mắt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, "Dune" (Hành tinh cát) trở thành tác phẩm hấp dẫn thu hút khán giả ra rạp.

Phim giành 6 giải Oscar và được giới phê bình đánh giá cao, thu về hơn 400 triệu USD doanh thu phòng vé toàn cầu.

Những thành công cả về mặt thương mại lẫn chuyên môn giúp "Dune" nhanh chóng được sản xuất phần 2. Đầu năm 2024, "Dune: Part Two" ra rạp, hiện chạm mốc 178 triệu USD doanh thu toàn cầu.

Mở ra bối cảnh những triền cát trắng như vô tận, cả hai phần "Dune" mang đến trải nghiệm điện ảnh hoàng tráng, hùng vĩ.

Viết về "Dune", nhà phê bình Eric Eisenberge đánh giá: "Tác phẩm của đạo diễn Denis Villeneuve chính là phiên bản chuyển thể mà khán giả đã luôn mong chờ". Trong khi đó, nhà phê bình Ben Travis của The Empire Magazine khen ngợi: "Với những độc giả đã luôn tôn thờ tác phẩm của Frank Herbert, "Dune" của Villeneuve chính là những gì họ luôn khao khát".

Bộ phim về xứ cát dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Frank Herbert. Trước khi đưa lên màn ảnh, tiểu thuyết "Dune" vốn đã là một nét chấm phá độc đáo trong thể loại sách khoa học viễn tưởng.

Timothée Chalamet và Zendaya đóng chính trong “Dune“. Ảnh: Nhà sản xuất

Tiểu thuyết “Dune” của Frank Herbert được xuất bản lần đầu vào giữa những năm 1960. Theo The Guardian, tác phẩm từng bị hơn 20 nhà xuất bản từ chối phát hành trước khi được in và gặt hái thành công.

"Dune" giành được hai giải thưởng Nebula và Hugo danh giá trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Xuất bản hàng triệu cuốn khắp thế giới, "Dune" được coi là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay nhất.

Ý tưởng cho câu chuyện về hành tinh cát của Frank Herbert xuất phát từ những sự kiện có thật.

Vào đầu thế kỷ 20, thành phố ven biển Florence, Oregon (Mỹ) đứng trước nguy cơ bị nuốt chửng bởi những cồn cát xung quanh. Đường bộ, đường sắt, nhà cửa đều bị nạn cát bay phủ kín.

Herbert đến Florence vào năm 1957, dự định viết một bài báo ghi lại cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên. Ông kinh ngạc trước sức mạnh của cồn cát: “Những con sóng này có thể có sức tàn phá khủng khiếp như một cơn thủy triều càn quét tài sản”.

Herbert hoàn thành bài viết về Florence nhưng không xuất bản. Thay vào đó, ông bắt đầu đào sâu, tìm hiểu về hệ sinh thái sa mạc và sự tương tác của con người với thiên nhiên.

Từ đó, "Dune" mở ra bối cảnh hành tinh sa mạc Arrakis, thường được gọi là Dune. Khí hậu trên Dune cực kỳ khắc nghiệt. Nước khan hiếm đến mức nếu muốn ra ngoài, cư dân nơi đây phải mặc sa phục, loại quần áo bó sát để giữ ẩm cơ thể, và tái chế nước để uống.

Nhân vật chính của truyện là Paul Atreides (Timothée Chalamet đóng). Anh đồng hành cùng Chani và người Fremen trên hành trình trả thù Harkonnens - những kẻ đã sát hại gia tộc.

Quá trình phát triển sinh thái của Arrakis diễn ra song song với những cuộc thánh chiến đẫm máu. Nhưng rộng hơn, cuốn tiểu thuyết đề cập đến nhiều vấn đề xã hội như các vị thần giả, tôn giáo, cuộc chạy đua dầu mỏ, chế độ thuộc địa, công nghệ máy móc tân tiến (có thể hiểu là AI hiện tại), biến đổi khí hậu...

Tờ Washington Post khẳng định, Frank Herbert muốn truyền tải tư tưởng về chủ nghĩa bảo vệ môi trường, và "Dune" phải là một cuốn tiểu thuyết sinh thái chứ không phải về tà thần, chính trị, dầu mỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn