MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị các di sản cuộc chiến tranh Mậu Ngọ. Ảnh: Trần Thi

Đà Nẵng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản cuộc chiến tranh Mậu Ngọ

TRẦN THI LDO | 30/08/2023 17:44

Ngày 30.8, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử, Hội Di sản Văn hóa tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 – 1860”. Tọa đàm đã đưa ra các điểm cần phát huy, đề xuất và giải pháp trong việc bảo tồn giá trị di sản liên quan đến sự kiện trên.

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023), toạ đàm nhằm nhìn nhận, đánh giá cụ thể hơn về tình hình, thực trạng, vai trò và tầm quan trọng của các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860) tại TP Đà Nẵng. Từ đó, đề ra các phương hướng, giải pháp khoa học để bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả đối với các di sản liên quan gắn với phát triển du lịch trong môi trường đô thị hiện đại và bền vững của thành phố.

Đã có nghiên cứu rằng, cuộc chiến tranh Mậu Ngọ, Đà Nẵng đã thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh và thắng Pháp trận đầu, trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải. Hàng nghìn nghĩa sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 – trong đó có nhiều người Đà Nẵng.

Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858 - 2023). Ảnh: Trần Thi

Các nhà nghiên cứu mang đến 14 bài tham luận với 4 nội dung chính, phân tích những điểm mạnh cần phát huy, đề xuất, kiến nghị và những việc làm cần khẩn trương thực hiện để đảm bảo được bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 - 1960.

Trong đó, 5 bài chuyên luận chuyên sâu với việc nghiên cứu mới về hệ thống phòng thủ ven biển thời Nguyễn tại Đà Nẵng, những bài học về phòng thủ trong giai đoạn hiện nay, các nhà nghiên cứu hướng sự quan tâm đến một số di tích Làng Vân, Liên Chiểu như trạm Nam Chơn, đồn Châu Sảng… Họ mong muốn Sở Văn hóa Thể thao thành phố chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng khẩn trương thẩm định đưa vào danh mục kiểm kê và cho lập ngay hồ sơ bảo vệ 2 di tích này.

Về vấn đề giáo dục truyền thống chống ngoại xâm trong học đường qua di sản tại Đà Nẵng, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp từ tọa đàm như: tổ chức cho học sinh, sinh viên toàn thành phố tham gia thực địa, tổ chức dạy học có hiệu quả trên cơ sở tài liệu giáo dục địa phương TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng cần tổ chức cho học sinh THPT, sinh viên khoa Lịch sử hoạt động tìm địa chỉ đỏ bị lãng quên, khảo sát thực địa để xác định cụ thể vị trí căn cứ phòng thủ từng thời của thành Điện Hải nay không còn dấu tích, vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin cũng cần được quan tâm nhằm hiện đại hóa việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng hy vọng thông qua tọa đàm có thể tuyên truyền, thu hút sự tham gia của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản đã, đang và sẽ có tại Đà Nẵng, những ý kiến của tọa đàm sẽ làm phong phú thêm nhận thức về lòng yêu nước, truyền thống hào hùng bất khuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn