MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đặc sắc điệu lăm vông ở Tây Nguyên

Phan Tuấn LDO | 22/01/2023 08:55

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, một số người Lào ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với tộc người bản địa ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) huyền thoại ngày nay. Người Việt gốc Lào đặc biệt yêu ca múa.

Các thiếu nữ người dân tộc Lào múa điệu lăm vông. Ảnh: Hường Lê

Người Lào đến huyện Buôn Đôn từ thế kỷ 18

Những người già nơi đây kể rằng, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, một số người Lào ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với tộc người bản địa ở huyện Buôn Đôn huyền thoại ngày nay.

Thấy vùng đất này có phong cảnh hữu tình, người dân mến khách họ quyết định ở lại đây sinh sống. Từ một vài người, đến nay, người Lào ở Buôn Đôn có khoảng 220 nhân khẩu.

Ông Kẹo Pha Lung nhớ lại, ngày xưa ông thường mang hàng hóa đến vùng đất Buôn Đôn giao thương vào những ngày đầu năm mới. Mỗi lần đến buôn làng, ông được nghe tiếng chiêng và nhìn thấy các điệu múa của sơn nữ nơi đây nên đã khiến ông mê mẩn.

Do đó, ông quyết tâm ở lại lập nghiệp rồi nên duyên với một cô gái M’nông. Thế hệ con cháu của ông mang hai dòng máu Việt - Lào được sinh ra và lớn trưởng trên mảnh đất Buôn Đôn huyền thoại này.

“Hiện nay, chuyện người Ê Đê lấy người Lào, người Lào lấy người M’Nông không còn là chuyện hiếm. Vì thế mà ở Buôn Đôn bây giờ có hẳn cả thế hệ mang hai dòng máu Việt - Lào mà nếu nhìn qua cũng khó có thể phân biệt đâu là người gốc Lào, đâu là người Ê Đê” - ông Kẹo Pha Lung chia sẻ.

Người Lào sinh sống chan hòa, giao thoa văn hóa với các dân tộc bản địa. Đến với quê hương thứ hai, họ vẫn luôn hướng về cội nguồn xứ sở vạn tượng với ý thức bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong những sinh hoạt thường nhật, nhất là vào dịp Tết truyền thống Bunpimay.

Người Việt gốc Lào bao năm nay luôn sống bình dị, chan hòa và giao thoa văn hóa với các tộc người bản địa nơi đây. Ảnh: Hường Lê

Tết Bunpimay còn gọi là lễ hội năm mới, Hội Bun Hốt Nậm (té nước) của người Lào thường diễn ra từ ngày 14 đến 16.4 dương lịch hằng năm. 

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh cùng chính quyền địa phương, Tết Bunpimay định kỳ tổ chức tại khu du lịch Cầu treo (buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).

Lễ hội Bunpimay có các hoạt động: Lễ hội hoa đăng - thả bè - lễ cầu may, lễ tắm Phật, lễ buộc chỉ đỏ vào cổ tay, giao lưu văn nghệ, ẩm thực văn hóa Lào…

Một điều độc đáo là văn hóa ẩm thực trong Tết Bunpimay không thể thiếu đặc sản truyền thống là món lạp - món ăn được xem như quốc thực của người Lào. Thường người Lào hay có thói quen tặng cho nhau món ăn lạp với mong muốn gửi lời chúc bình an, may mắn trong dịp Tết.

Nguyên liệu của món lạp chủ yếu là thịt bò, gà, kết hợp với các gia vị hành, thính, riềng…  Món lạp được bà con kỳ công chuẩn bị từ đêm trước ngày Tết để đến vui Tết ai cũng được thưởng thức. Bởi theo quan niệm, nếu không chuẩn bị món lạp ngon cẩn thận đồng nghĩa sẽ mang điềm xui xẻo, không may cho người được nhận.

Người dân tộc Lào làm lễ thả bè cầu may trên sông Sêrêpốk. Ảnh: Hường Lê

Vũ điệu biểu tượng của tình đoàn kết

Đối với người Lào, các lễ hội hay ngày vui trong gia tộc, cộng đồng đều không thể thiếu điệu múa lăm vông. Vũ điệu lăm vông của người Lào không chỉ là sinh hoạt văn hóa, nét đẹp thẩm mỹ mà còn thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc và thắt chặt tình hữu nghị hai nước Việt-Lào.

Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Với dân tộc Lào, lăm vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ lúc mới lên 3 lên 5.

Bà H’On Kẹo Lào, ở buôn Trí B, xã Krông Na là người hiểu sâu sắc những nét đẹp văn hóa Lào để giao lưu và truyền dạy cho con cái sau này.

Theo bà H’On Kẹo Lào, điệu múa này tuy dễ, người mới quan sát đã có thể học, múa theo ngay. Thế nhưng, nó cũng có những nguyên tắc riêng. Với phụ nữ, khi múa lăm vông động tác vừa cuộn bàn tay, ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong. Nhịp chân ba bước tiến, một bước lùi cứ thế đi vòng tròn cùng mọi người.

"Riêng nam giới thì di chuyển chậm, nhịp nhàng từng động tác, theo điệu nhạc để “nương” theo bạn nhảy. Điệu lăm vông đòi hỏi sự mềm dẻo của cơ thể, nhất là đôi bàn tay” - bà H’On Kẹo Lào chia sẻ. 

Ông Bun May Lào ở buôn Trí A cho biết thêm, đàn ông Lào thường ít khi múa. Thế nhưng, trong các dịp văn nghệ vẫn cùng chị em tham gia lăm vông góp vui. Người già, trẻ nhỏ dân tộc Lào ở Buôn Đôn múa lăm vông như một thói quen, chỉ cần nghe tiếng nhạc là nhịp nhàng xoay vũ điệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn