MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gươl -nhà sinh hoạt cộng đồng giữa làng của người Cơ Tu ở Quảng Nam. Ảnh: Thanh Hải

Đại bàng - loài chim mở đất linh thiêng trong tâm thức người Cơ Tu

Thanh Hải LDO | 26/02/2022 06:00

Quảng Nam - Dường như mỗi con vật trên rừng Trường Sơn đều có một câu chuyện, truyền thuyết ly kỳ, gắn với đời sống văn hóa, tâm linh của người Cơ Tu. Đại bàng được xem là loài chim mở đất, lập làng, được người Cơ Tu tôn thờ...

Đậm nét văn hóa ở trung Trường Sơn

Cơ Tu (hay còn được viết là C'tu) được xếp thứ 26 trong 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Người Cơ Tu hiện chỉ có trên dưới khoảng 100.000 người, chủ yếu ở trung dải Trường Sơn. Tập trung ở các huyện miền núi, phía tây của 3 địa phương là TT-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Tại Quảng Nam cũng chỉ tập trung ở 3 huyện ven con sông A Vương là Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Ngoài ra, người Cơ Tu còn có ở 2 huyện Đắk Chưng và Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào.

Nhiều làng Cơ Tu đẹp thơ mộng vì nằm bên dòng sông, thác suối, lại có nhiều công trình kiến trúc đẹp. Ảnh Thanh Hải

Tuy phân bổ trên địa bàn rộng lớn như vậy, song người Cơ Tu lại cư trú có tính thống nhất lớn, ít bị phân cách bởi yếu tố địa hình, đơn vị hành chính... Đặc biệt là không có dân tộc khác sống xen kẽ, ngoài một số rất ít người Kinh.

Người Cơ Tu có văn hóa riêng, có tiếng nói, chữ viết riêng (một dạng phiên âm từ mẫu chữ Latin). Đấy chính là lý do mà người Cơ Tu phát huy được những giá trị văn hóa, bảo tồn rất tốt truyền thống và bản sắc riêng.

Cánh chim uy lực 

Tôi còn nhớ, một lần giữa buổi trưa đầu hạ, miền Trung như chảo lửa, chúng tôi ghé vào nhà Gươl làng Pà Ting (xã TàBhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) để tránh nắng (Gươl là nhà văn hóa cộng đồng của làng người Cơ Tu). Ở đấy đã có A Lăng Đức cùng mấy đứa trẻ trong làng đến hóng gió, ngủ trưa. Đức cho biết, với những ngôi làng nhỏ, dân ít, thì việc làm nhà Gươl thường do dân tự dựng. Bởi vậy, kiến trúc, vật liệu vẫn giữ được lối truyền thống từ bao đời.

Điêu khắc gỗ, trang trí bên trong nhà Gươl của người Cơ Tu. Ảnh: Thanh Hải

Xung quanh bờ vách gỗ, chi chít những hoa văn chạm trổ sinh động. Đời sống sinh hoạt theo phương thức săn bắt hái lượm của người dân vẫn còn hiện hữu qua những bức tranh khắc trên vách ván gỗ quanh nhà: Những con nai hồn nhiên uống nước bên dòng suối, con cọp ẩn mình rình bắt lợn lòi, con gà trống ngẩng cao đầu chào buổi sáng. Xa xa, các chàng trai vạm vỡ trong tư thế ưỡn mình phóng lao vào thú dữ, các cô gái duyên dáng trong áo váy thổ cẩm đang giã gạo bên cối gỗ...

Con trâu luôn là hình ảnh chủ đạo trong các công trình kiến trúc, văn hóa của người Cơ Tu. Ảnh: Thanh Hải

Trong các nhà Gươl của người Cơ Tu (Quảng Nam), con trâu bao giờ cũng là hình tượng chủ đạo. Thế nhưng, ngự trị ở hai đầu hồi lại có thêm con đại bàng dang đôi cánh lớn, đầy uy lực.

Với tuổi thọ cao, tốc độ bay cực lớn, tầm nhìn xa... đại bàng thể hiện được sức mạnh siêu phàm, ngự trị trên vùng trời rộng lớn ở miền núi. Đại bàng là biểu tượng cho kẻ mạnh, sự hùng dũng, vì thế nhiều quốc gia trên thế giới đã chọn làm biểu tượng cho quân đội. Nhiều nước ở châu Âu, Phi, châu Á... và cả Mỹ, Nga đã lấy hình ảnh con đại bàng làm quốc huy, thậm chí trở thành biểu tượng trên quốc kỳ của nhiều nước. Bởi vậy, tôi thật sự bất ngờ khi người Cơ Tu cũng chọn đại bàng làm linh vật tôn thờ.

Ông Briu Liếc - nguyên Bí thư huyện ủy Tây Giang, một trong số ít người nghiên cứu văn hóa Cơ Tu - cho biết, ngoài các biểu tượng về sự đoàn kết, ấm no, hạnh phúc bằng con gà trống (Ta’coi), nhà Gươl của người Cơ Tu còn có con đại bàng lớn gọi là K’lang B’bhé.

Theo truyền thuyết của người Cơ Tu, đây là loài chim mở đất. Trước khi khai cơ lập địa, từ bỏ vùng đất chết đến nơi ở mới, người Cơ Tu thường đi theo sự dẫn đường của loài chim này. Nó còn đem hạt cây đến vùng đất mới giúp dân. Với “tầm nhìn” của mình, loài đại bàng còn giúp người Cơ Tu tránh được dịch bệnh.

Thực tế, rừng núi ở các địa phương cả nước đều đã thay đổi, hoang vu đã thay bằng đồi núi trọc hoặc bạt ngàn rừng cây trồng theo quy hoạch. Dẫu vậy, trong tâm thức người đồng bào vùng cao, hoang vu rừng núi, những quan niệm tâm linh vẫn ngự trị trong đời sống của họ.

Con gà trống (Ta’coi) là biểu tượng về sự đoàn kết, ấm no, hạnh phúc  trong nhà Gươl của người Cơ Tu. Ảnh: Thanh Hải

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn