MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam - tặng hoa đại diện Ban chấp hành Chi hội Hội nhà văn Công nhân nhiệm kỳ 2022 và những năm tiếp theo.

Đại hội Chi hội Nhà văn Công nhân bầu ông Lê Tuấn Lộc làm Chi hội trưởng

Huyền Chi LDO | 05/08/2022 17:19

Ngày 5.8, Đại hội Chi hội Nhà văn Công nhân nhiệm kỳ 2022 và những năm tiếp theo đã bầu ông Lê Tuấn Lộc giữ chức vụ Chi hội trưởng. 

Tham dự đại hội có ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Bùi Việt Sỹ - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân cùng các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 

Phát biểu mở đầu đại hội, nhà văn Lê Tuấn Lộc nhận định: "Năm 1957, Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập. Một thời gian sau đó, các chi hội nhà văn lần lượt ra đời, trong đó có Chi hội nhà văn công nhân.

Một chặng đường dài cùng tiến trình lịch sử đất nước, đội ngũ những người viết về đề tài lao động, sản xuất vẫn, đã và đang phát triển ngày một đông đảo. Ta có thể khẳng định rằng, văn học công nhân là thứ không thể tách rời khỏi nền văn học đương đại".

Nói về vai trò của công nhân trong thời đại mới,  Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định: "Các vấn đề của công nhân, công đoàn bây giờ đã khác rất nhiều so với những năm 70, 80 trước đây. Hiện nay, chúng ta có khoảng 18 triệu công nhân, chiếm khoảng 14% dân số, đóng góp 65% GDP.

Khi nói đến xây dựng giai cấp công nhân, người ta hay nói đến việc xây dựng giai cấp công nhân "lớn mạnh" nhưng giờ đây đã bổ sung thêm "hiện đại, lớn mạnh". Vì muốn hiện đại hóa đất nước thì chủ thể tham gia lao động sản xuất cũng phải được hiện đại hóa".

Ông Ngọ Duy Hiểu (giữa) và ông Vũ Mạnh Tiêm (thứ hai, từ trái sang), ông Nguyễn Quang Thiều (thứ ba, từ trái sang) chụp ảnh cùng Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Công nhân.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu trong đại hội: "Đối với tôi, văn học công nhân hiện lên đầy đẹp đẽ. Trong lịch sử, văn học công nhân không chỉ là một đề tài mà là một phần của lịch sử trong nền văn học cách mạng. Trước cả năm 1945, những người sống trong các hầm mỏ, nhà máy đã viết và họ trở thành nhà văn. Những tác phẩm viết bởi những người công nhân đã đạt chất lượng nghệ thuật, tư tưởng ngang bằng với những thể loại khác.

Tôi nghĩ rằng cho đến hiện tại, công nhân, công an, quân đội, nông dân chỉ là đề tài cho những nhà văn sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Đời sống công nhân bây giờ đã biến động và thay đổi quá lớn. Bây giờ, tôi cho rằng, viết về công nhân là viết về số phận con người

Ngày xưa, công nhân đến giờ, đi làm ca rất bình yên. Có thể đó là thời bao cấp, kém thiếu nhưng họ đến và họ tự hào về nơi mà họ làm việc. Nhưng ngày nay, công nhân đi làm bằng xe máy, ôtô nhưng ở thời đại này, họ đối mặt với nguy hiểm hơn, nặng nề hơn và có thể gặp bất hạnh, bất trắc nhiều hơn".

Đại hội do Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân Bùi Việt Sỹ điều hành đã tiến hành biểu quyết, bầu ra Ban chấp hành Chi hội Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2022 và những năm tiếp theo bao gồm 3 ông: Lê Tuấn Lộc, Nguyễn Quang Thuyên, Vũ Thảo Ngọc.

Trong đó, ông Lê Tuấn Lộc giữ chức vụ Chi hội trưởng, 2 ông Nguyễn Quang Thuyên và Vũ Thảo Ngọc giữ chức vụ Ủy viên ban chấp hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn