MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tân chủ tịch và Ban Chấp hành nhiệm kỳ XII của Hội Nhà văn Hà Nội ra mắt hội viên

Đại hội hội nhà văn Hà Nội lần thứ XII: Mòn mỏi “trông” người trẻ

BÍCH HÀ - LINH PHƯƠNG LDO | 10/08/2017 09:22
Sau gần hai năm trì hoãn, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ 12 diễn ra trong hai ngày 8 và 9.8. Như thường lệ, vấn đề nóng nhất vẫn là nhân sự, người trẻ “sục sôi” đòi trẻ hóa, nhưng tỉ lệ nhà văn già trong danh sách ban chấp hành vẫn luôn áp đảo. Tuy vậy, đây vẫn là kỳ đại hội có dấu ấn đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động 22 năm của Hội Nhà văn Hà Nội, một nhà văn nữ đắc cử vị trí chủ tịch.

“Tổ sinh hoạt” của những người về hưu

Hội Nhà văn Hà Nội có 644 người, trong đó hội viên trẻ (dưới 40 tuổi) chỉ có 40 người, chiếm 6%. Tuổi trung bình của hội viên hiện nay là gần 62. Đã ít, hai ngày diễn ra đại hội, nhiều nhà văn trẻ không đến dự. Thành ra, những mái đầu bạc lấp đầy hội trường Nhà hát VOV.

Nhìn hình ảnh này, nhà văn Y Ban ví von, Hội Nhà văn Hà Nội giờ như cuộc sinh hoạt của tổ hưu, về văn học gần như không có gì. Nhà thơ Vi Thùy Linh cũng đồng tình. Nhìn vào danh sách 8 thành viên trong Ban chấp hành khóa mới của Hội Nhà văn Hà Nội (Chủ tịch Hội - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, 3 Phó Chủ tịch - Nguyễn Sĩ Đại, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến và các hội viên Bùi Việt Mỹ, Y Ban, Trần Hữu Việt, Trần Gia Thái), Vi Thùy Linh cho biết không hài lòng, bởi thiếu tiêu chí trẻ.

“Chủ tịch Hội năm nay 52 tuổi, người trẻ nhất trong Ban chấp hành cũng đã 42. Không có hội viên nào dưới 40 tuổi lọt vào Ban chấp hành dù trước đó tôi đã kêu gào, đấu tranh đòi trẻ hóa. Tôi bức xúc không phải vì tôi bị “trượt”, không được bầu vào Ban chấp hành. Tôi biết mình có tên trong danh sách đề cử chỉ là “chân gỗ” thôi, nhưng vẫn bức xúc.

Từ ngày tôi vào Hội Nhà văn Hà Nội (năm 2000) đến nay, tôi chứng kiến một điều hết sức vô lý là sự già nua tràn đầy. Hội là nơi hội tụ những người về hưu. Trong khi trẻ là lực lượng nòng cốt, là hy vọng của tương lai. Vậy chúng ta chờ đợi gì đây? Tôi rất tôn trọng các nhà văn thế hệ trước, nhưng nếu cứ mãi như vậy thì những người trẻ chúng tôi mất niềm tin lắm. Cứ đà này, một nhiệm kỳ nữa thôi sẽ không còn ai dưới 40 tuổi ở hội này và chúng tôi nghĩ chẳng bao giờ nhà văn trẻ có mặt trong ban chấp hành” - nhà thơ Vi Thùy Linh cảnh báo.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến cũng có bức xúc tương tự: “Nên chăng những đồng chí nào đã 65, 70 dù có đề cử lần trước thì nên tự xin rút, để các bạn trẻ được vào ban chấp hành”.

Dù vậy, có một thực tế là hiện nay người trẻ không mặn mà vào hội. Vì sao? Ủy viên Ban chấp hành khóa XII của Hội Nhà văn Hà Nội - nhà văn Y Ban lý giải: “Vào hội có được bổng lộc gì đâu?”.

Chị cũng gọi tiêu chí phải có hai cuốn sách xuất bản mới được xét duyệt vào Hội Nhà văn Hà Nội là “vòng kim cô”, hạn chế việc phát triển số lượng hội viên trẻ: “Sách bây giờ in rất khó. Nhà văn viết bao nhiêu năm rồi còn chả ai in cho, nói chi nhà văn trẻ. Nếu bỏ tiền túi đi in, thì tiền ở đâu, họ còn phải lo cuộc sống nữa chứ. Hiện nay công nghệ phát triển, xuất bản trên mạng có sức lan tỏa rất mạnh, câu view hơn nhiều. Tại sao lại cứ bắt in 2 cuốn sách làm gì? Với tư cách là ủy viên trong ban chấp hành khóa mới, tôi sẽ kiến nghị cải tổ điều này để rộng cửa đón nhà văn trẻ vào hội”.

Kỳ vọng đổi mới

Ngoài việc thiếu yếu tố trẻ, điểm nóng của kỳ đại hội này là vấn đề bầu nhân sự. Dự kiến Đại hội XII bầu ra 11 thành viên trong Ban chấp hành, tuy nhiên sau khi công bố kết quả kiểm phiếu vào gần 19h tối 8.8, do một số thành viên không đạt số phiếu quá bán, nên Đại hội đã biểu quyết dừng lại ở con số 8 thành viên có phiếu bầu cao nhất và quá bán trong danh sách 22 người được đề cử.

Rất lâu rồi mới có hai nhà văn nữ có mặt trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội. Đặc biệt, nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối, với 100% phiếu bầu để trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn.

“Thu Huệ là người nổi tiếng trong nghề nghiệp, bằng sự sắc sảo trong văn chương cũng như cuộc sống, tôi hy vọng sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới. Trước tiên bằng việc tôn trọng và khuyến khích tiếng nói của người trẻ” - nhà văn Xuân Thủy chia sẻ.

Chia sẻ về tương lai của Hội nhà văn sau khi có ban chấp hành mới, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết: “Trong BCH năm nay có nhiều nhà văn của Hà Nội. Người ta hay phàn nàn là Hội nhà văn Hà Nội 25 năm qua ban chấp hành toàn người miền trong. Nay đã có sự đổi khác. Tinh hoa của giới nhà văn Hà Nội đã tập trung trong ban chấp hành này. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm hay ra đời”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn