MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tự họa ĐAN

Đan - Biếm họa và minh họa

HOÀNG ĐẶNG LDO | 11/08/2019 20:23
“Biếm họa luôn là bộ môn nghệ thuật báo chí, khai sinh, phát triển cùng với hoạt động báo chí. Và tôi chợt nhận ra rằng, biếm họa đã chọn tôi làm bạn đường tri kỷ” (ĐAN).

Bắt đầu từ buổi sáng hơn 20 năm trước, Vĩnh Quyền, nhà văn, nhà báo, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực Miền Trung - Tây Nguyên gọi điện mời “đến văn phòng chơi”, khi đi nhớ mang theo bút sắt và mực tàu. Tôi rất ngạc nhiên, mời đến chơi “không trà thì rượu” sao lại phải mang theo bút vẽ?!

Ngồi đối diện với bàn làm việc khá bề bộn sách báo và máy tính của Vĩnh Quyền, tôi đặt tất cả giấy mực, bút vẽ trên mặt bàn trống, khá rộng, có để sẵn chai nước suối. Sau cái bắt tay và nụ cười chào thân tình, vị Trưởng Văn phòng đại diện tờ báo lớn nghiêm nghị nói “Tòa soạn hiện đang cần gấp một vài tranh biếm họa thời sự, mình mới làm phiền đến bạn. Chuyện về nạn trộm gỗ cây rừng và sự thờ ơ lẫn dung túng của kiểm lâm và cơ quan chức năng”. Nhìn vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi lúc đó, Vĩnh Quyền nói thêm: “Vẽ tại đây cho tiện, cần gì cứ cho mình biết”.

Tôi bắt đầu vẽ dù có phần lúng túng, đã bước đến đây không lẽ bỏ về. Lúng túng vì không khí hành chính trong căn phòng lạ lẫm đối với tôi và, hình như đây là lần đầu tiên tôi vẽ biếm họa thời sự với đề tài phức tạp, dài ngoằng, khó thu về một mối.

Vẽ, xóa. Xóa rồi vẽ tiếp. Đã hơn hai giờ đồng hồ trôi qua mà bản vẽ vẫn còn rối mù, không ra hình ra dạng chỉ lam nham vết tẩy xóa.

Hai hôm sau, bên ly càphê và tờ Báo Lao Động còn thơm mùi mực, cả hai chúng tôi cùng nhau xem cái tranh biếm họa với bút hiệu ĐAN, được “thực hiện” gần năm tiếng đồng hồ ở Văn phòng đại diện Báo Lao Động in trên trang báo.

Ngoài việc góp mặt thường xuyên trên Báo Lao Động bằng tranh biếm hay tranh minh họa cho bài viết, tôi chọn cho mình một không gian tách biệt với sinh hoạt náo nhiệt bên ngoài để sáng tác tranh sơn dầu.

Biếm họa kéo tôi ra khỏi thế giới hội họa tĩnh mịch đó, cuốn tôi theo dòng chảy thời sự xã hội với nhiều biến động thời cuộc và như những họa sĩ chuyên vẽ biếm họa khác, tôi đi tìm mặt trái ẩn sau mỗi sự kiện để vẽ cho ra một nụ cười ý nhị, đúng lúc.

Trong lĩnh vực biếm họa, tôi luôn tự xem mình là người “mới vào nghề”. Công việc này đòi hỏi người họa sĩ phải có tinh thần như nhà báo, xông xáo và nhạy cảm, luôn có mặt ở những sự kiện “nóng” nhất trong đời sống để phản ảnh đúng tinh thần của nó. Thời gian đầu trong việc vẽ biếm họa, tôi có nhiều vấp váp nhưng lâu dần cũng quen. Tôi luôn luôn tự cân bằng công việc giữa trạng thái động và tĩnh của hai loại hình nghệ thuật tưởng chừng trái ngược nhau: Biếm họa và hội họa.

Biếm họa thường phản ảnh mặt trái sự kiện thông qua nét vẽ giản dị, hóm hỉnh để người xem nhận ra sự mâu thuẫn nội tại. Ngôn ngữ biếm họa mang tính hoạt họa, đặc tả từ chân dung nhân vật hay một bối cảnh phức tạp đều được tối giản cô đọng trên tranh và mang đậm chất hài hước. Vì vậy, biếm họa luôn là bộ môn nghệ thuật báo chí, khai sinh, phát triển cùng với hoạt động báo chí.

Tôi chợt nhận ra rằng, biếm họa đã chọn tôi làm bạn đường tri kỷ. Vì thế, bên cạnh việc sáng tác tranh sơn dầu, tôi rất sẵn sàng “ôm đồm” thêm một công việc nữa: Biếm họa - câu chuyện dài chưa có hồi kết thúc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn