MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục thanh niên lợp mái nhà rông xã Đăk Tơ Lung theo mẫu nguyên bản. Ảnh Thanh Tuấn

Dân làng góp tiền của để dựng nhà rông nguyên bản

THANH TUẤN LDO | 21/03/2023 15:54

Nhà rông truyền thống trải qua hàng chục năm mưa gió đã bị hư hỏng, mục ruỗng, dân làng ở xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, quyết định gom nhặt từng đồng để dựng lại nhà mới đúng với nguyên bản. Với người dân, nhà rông là linh hồn của văn hoá truyền thống cha ông từ xưa để lại. 

Đứng trước ngôi nhà rông bề thế, chuẩn bị hoàn thành vào giữa tháng 4.2023, già làng A Lika (70 tuổi, thôn 5, xã Đăk Tơ Lung) không giấu được niềm vui mừng, phấn khởi. 

Trước đó, nhà rông cũ nát, hư hỏng nghiêm trọng không thể tổ chức lễ hội, sinh hoạt khiến ai nấy đều lo lắng. Theo già A Lika, nhà rông là nơi dân làng tụ tập trong những ngày lễ hội trọng đại như lễ cúng lúa mới, lễ chuồng trâu, lễ cúng giọt nước…

Không nỡ để nhà rông bị xuống cấp, hư hại dần, dân làng trong thôn góp tiền của, công sức để xây cất nên ngôi nhà mới. Ban đầu, do vật liệu tự nhiên như tre nứa, gỗ, mây… khan hiếm, khó tìm, các già làng, trưởng bản dự tính sẽ làm nhà rông theo mẫu hiện đại với bê tông, sắt thép, tấm lợp mái tôn với giá thành rẻ hơn. 

“Tuy nhiên, họp biểu quyết, người làng không đồng tính, vì nhà rông truyền thống phải có mái tranh, tre nứa, cột nhà, sàn nhà bằng gỗ… Mẫu nhà rông hiện đại không mang giá trị bản sắc văn hoá, nét thiêng liêng, thành kính khi nằm vị trí trung tâm của thôn làng”, già A Lika nói. 

Một nhà rông độc đáo ở xã Đăk Tơ Lung. Ảnh Thanh Tuấn 

Anh A Ngõa – Trưởng thôn 5, xã Đăk Tơ Lung, huyện kon Rẫy cho biết, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng hơn 212 nhân khẩu đều đồng thuận đóng tiền làm nhà rông truyền thống. Ngay cả các hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm nhưng vẫn đóng góp 200.000 đồng/người như các gia đình khác. 

Thanh niên trai tráng trong làng được “lệnh” vào rừng tìm kiếm gỗ chắc để đưa về làm nhà rông. Phụ nữ săn tìm sợi dây mây, tre nứa ven sông suối về làm vật liệu, đóng góp ngày công, nấu cơm cho thanh niên dựng nhà.

Đầu tháng 3.2023, thôn đã khởi công dựng nhà rông mới và sẽ dự kiến hoàn thành giữa tháng 4.2023, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, chưa kể công sức dân làng bỏ ra. 

Theo ông Đỗ Xuân Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung, một số nhà rông truyền thống trên địa bàn được chính quyền vận động người dân cùng góp tay chung sức sửa chữa theo kiến trúc cũ, đậm nét văn hoá. Đó cũng là nguyện vọng của người dân. 

Nhà rông vững chãi, không chỉ là nơi họp dân làng, diễn ra nghi thức, lễ hội mà còn là nơi khen thưởng, biểu dương con em địa phương có thành tích cao trong học tập, làm việc.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn