MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả Phạm Công Thắng tại bảo tàng mini nhiếp ảnh “KUNA” do anh sáng lập. Ảnh: NVCC

Dấn thân vào sân chơi của nghệ thuật câu chữ

Việt Văn (thực hiện) LDO | 07/10/2022 08:36

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng sau những năm trường hoạt động sôi nổi cả hai lĩnh vực nhiếp ảnh và báo chí, đã có một bước ngoặt bất ngờ khi chuyển sang viết văn với nhiều truyện ngắn được in trên các báo. Sau khi ra mắt tập truyện “Ngã rẽ” năm 2021, cuối tháng 9.2022, anh lại tiếp tục cho ra mắt tập truyện thứ hai “Tình yêu thời hậu chiến” (Nhà xuất bản Hội nhà văn). 

Tập đầu được đón nhận và tập thứ hai cũng rất duyên khi vừa ra mắt, Thư viện Quân đội đặt mua 550 cuốn và anh cũng bán được hơn 200 cuốn khác. Một khởi đầu khá suôn sẻ. Cuộc trò chuyện với anh diễn ra trong một ngày thu nắng dịu dàng.

Hơn một năm trước, anh ra tập truyện ngắn “Ngã rẽ” chủ đề chính là tình yêu và thế sự. 

Chủ đề này vẫn tiếp nối ở tập thứ hai “Tình yêu thời hậu chiến” có chăng là phần tình yêu dày dạn hơn. Vì sao anh chọn chủ đề muôn thuở này?

- Tập truyện ngắn đầu tay “Ngã rẽ” chủ đề xuyên suốt là tình yêu thế sự. Tập truyện thứ hai mình đột nhiên rẽ sang một đề tài khác đó là viết về tình yêu của người lính trong cuộc chiến, gian nan khốc liệt nhưng không vì thế mà thiếu đi sự khát khao lãng mạn. Mình muốn gửi đi một thông điệp: Tình yêu ở đâu cũng đẹp, cũng cao quý  nhưng tình yêu trong khỏi lửa của chiến tranh mới càng thi vị và ngọt ngào, bởi giữa cái chết cận kề tình yêu mới quý giá thiêng liêng biết nhường nào...                          

Có cảm giác anh viết từ sự quan sát cuộc sống, những trải nghiệm là chủ yếu, còn chỉ pha một chút sự tưởng tượng, hư cấu. Anh có trải nghiệm đáng nhớ nào và đưa nó vào văn chương như thế nào?

- Hầu hết những truyện ngắn mình viết đều ngắn gọn, súc tích và hầu như đều lấy câu chuyện ở ngoài đời sau đó bằng những trải nghiệm, va đập thực tế trong cuộc sống tác giả thổi hồn vào nó bằng trí tưởng tượng phong phú cùng những trải nghiệm trong tình yêu để đưa vào tác phẩm. Trong các câu chuyện về tình yêu, ít nhiều đều có bóng hình của tác giả trong đó... 

Truyện của anh thường kết cấu giản dị và câu chữ cũng không tỉa tót, cầu kỳ, theo anh điều gì sẽ gây chú ý cho độc giả khi đọc truyện của anh?

- Quan niệm của tôi là viết dung dị mộc mạc không nặng nề lắm về nghệ thuật câu chữ. Bởi bạn đọc của mình là những cựu chiến binh, người về hưu người cao tuổi và lớp người trung tuổi... hầu hết họ đều thích lối viết dung dị đi thẳng vào những vấn đề của cuộc sống. Viết theo ngôn ngữ tả thực dễ đọc, dễ hiểu.                            

Khi mà chụp ảnh và viết báo chưa làm thỏa mãn hết nhu cầu nội tâm sáng tạo trong anh thì văn chương đã cất lên tiếng nói. Những truyện ngắn có làm lấp đi khoảng trống trong anh?

- Viết báo, chụp ảnh không thể diễn tả hết những gi xảy ra trong cuộc sống. Vậy mình mượn văn chương, mảnh đất mầu mỡ để cày xới, để phát huy sáng tạo,  những suy nghĩ trăn trở trước những biến động cuộc sống mà nhiếp ảnh hay báo chí không chuyển tải hết được...  

Anh còn là người sáng lập ra bảo tàng mini “Ký ức nhiếp ảnh” và tập hợp được rất nhiều hiện vật quý (máy ảnh, máy phóng ảnh, máy quay, các cuốn sách ảnh…) ở nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau trong lịch sử. Vậy viết văn với anh là nghề tay trái hay tay phải, và sắp tới anh sẽ tiếp tục như thế nào?

- Là người sáng lập ra “Ký ức nhiếp ảnh” - ngoài thú đam mê cá nhân mình còn có sự khát khao cống hiến cho đời, cho nhiếp ảnh nước nhà một di sản nhiếp ảnh quý giá, gắn liền tên tuổi, sự nghiệp sáng tác, cống hiến của các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong cả nước. 

Sắp tới sau khi “Ký ức nhiếp ảnh” đi vào hoạt động ổn định, mình sẽ tập trung cho viết văn, đây mới là con đường mình đam mê lựa chọn. Bởi hơn bao giờ hết mình muốn dấn thân vào sân chơi của nghệ thuật câu chữ, đầy chông gai và thử thách!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn