MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSƯT Thanh Quý (trái) có nhiều vai diễn xúc động trên truyền hình nhưng sẽ khó trở thành NSND. Ảnh: VFC

Đằng sau những tranh cãi quanh danh hiệu NSND - NSƯT

Mi Lan LDO | 08/12/2023 06:59

Mỗi mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ (Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú) luôn kéo theo muôn vàn tranh cãi, những cái tên được “nâng lên hạ xuống” soi xét xem có xứng đáng hay không, vì sao nghệ sĩ này bị gạt ra, vì sao một nghệ sĩ “trẻ măng” đã được phong tặng danh hiệu... NSƯT Chiều Xuân cho rằng, “những tranh cãi này sẽ đến hẹn lại lên, không bao giờ chấm dứt”.

Tranh cãi không hồi kết

Cùng thời, cùng thế hệ, cùng có sự nghiệp vang danh trên sân khấu nhạc nhẹ, nhưng Thanh Lam bây giờ đã là NSND, còn Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có thể sẽ mãi là... ca sĩ.

Cũng như vậy, ca sĩ Phạm Phương Thảo sinh năm 1982 vừa được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 41, là một trong những ca sĩ trở thành NSND ở độ tuổi trẻ nhất. Trong khi, rất đông những ca sĩ khác có cống hiến lớn, có thâm niên hoạt động lâu dài, nhưng chưa bao giờ được xét tặng danh hiệu.

Điều khác biệt lớn nhất giữa họ là việc “chịu” làm hồ sơ xin xét tặng và cần nỗ lực đi thi các cuộc để thu thập đủ số huy chương, thành tích cần thiết cho việc xét tặng.

Nghịch lý ở chỗ, hầu hết các ca sĩ đều hoạt động tự do, không thuộc quân số quản lý ở các cơ quan Nhà nước, bởi vậy, dù nổi tiếng, tài năng đến đâu - họ cũng hiếm có cơ hội đi thi, đoạt huy chương đủ yêu cầu, đồng thời cũng gặp rắc rối, nhiều thủ tục khi tự làm hồ sơ đề xuất xét tặng danh hiệu.

Những ca sĩ được phong tặng danh hiệu lần này đều thuộc quân số ở các nhà hát, đơn cử Tấn Minh được phong tặng NSND thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Phạm Phương Thảo là quân số của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Vậy tại sao, lại phải làm hồ sơ để “xin” danh hiệu?

NSƯT Chí Trung chật vật khi 3 lần trượt NSND. Năm 2015, NSƯT Chí Trung đã làm hồ sơ xin xét tặng NSND nhưng bị “trượt” với lý do “dở khóc dở cười”.

Thời điểm đó, theo yêu cầu về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND - nghệ sĩ phải đoạt 2 Huy chương Vàng (HCV). Trường hợp của NSƯT Chí Trung đã có 3 Huy chương Bạc (HCB) và 1 giải “Đạo diễn xuất sắc” (đây là giải thưởng duy nhất tại Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ do Hội Sân khấu tổ chức tháng 9.2014).

Tại Hội đồng cấp cơ sở, giải Đạo diễn xuất sắc được xem xét như một HCV (vì đó là giải cao nhất tại một cuộc thi). Và, theo quy định, cứ 2 HCB có thể quy đổi giá trị thành 1 HCV - Chí Trung đủ tiêu chuẩn 2 HCV để được xét tặng danh hiệu NSND.

Tuy nhiên, khi lên Hội đồng xét tặng ở cấp cao hơn, giải Đạo diễn xuất sắc của NSƯT Chí Trung không được “xét” là một huy chương. Vì thế, hồ sơ của Chí Trung coi như bị thiếu huy chương và bị “gạt” ra.

Nhiều nghệ sĩ ở nhà hát Tuổi trẻ đã tiếc cho Chí Trung, bởi khi lên vị trí lãnh đạo (giám đốc nhà hát), Chí Trung đã phải nhường vai diễn, nhường các suất thi hội diễn cho diễn viên, không thể “tranh giành” huy chương với đồng nghiệp cùng nhà hát.

Đó chỉ là những câu chuyện mang tính điển hình trong muôn vàn tranh cãi quanh sự bất cập trong việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ hằng mùa, cứ “đến hẹn lại lên”.

Giá trị lớn nhất của nghệ sĩ

Rất dễ để điểm danh hàng loạt nghệ sĩ tài năng, tên tuổi nổi bật, “làm mưa làm gió” với nhiều tác phẩm chất lượng, nhưng chưa bao giờ có danh hiệu, và chưa bao giờ làm hồ sơ để đề xuất xét tặng.

Thái Hòa, Hồng Ánh... từng là hai diễn viên đứng đầu về số những lần đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc/Nữ diễn viên xuất sắc các kỳ liên hoan phim, Cánh Diều Vàng, nhưng họ là “nghệ sĩ không danh hiệu”.

NSƯT Thanh Quý có thể “làm mưa làm gió” với các vai diễn xúc động trên truyền hình, nhưng sẽ khó trở thành NSND vì đã về hưu, không còn đi thi để có thêm giải thưởng. Chưa kể, cơ quan chủ quản của bà là Hãng phim truyện Việt Nam còn đang điêu đứng trong công cuộc cổ phần hóa.

Diễn viên Vân Dung là nghệ sĩ duy nhất trong dàn Táo Quân đến giờ vẫn không có danh hiệu. Trao đổi với phóng viên Lao Động, Vân Dung nói: “Đối với tôi, quan trọng nhất là tình cảm của khán giả. Được khán giả yêu thương, cổ vũ, đón nhận mỗi vai diễn - đó là phần thưởng lớn nhất. Nhờ có tình yêu của khán giả, tôi sẽ có động lực để cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ với nghề”.

NSƯT Thanh Quý cũng cho biết, bà không có ý định làm hồ sơ để đề nghị xét tặng NSND, bởi với bà, được làm nghề đã là một hạnh phúc.

Với nhiều nghệ sĩ, giá trị của nghệ sĩ nằm ở tình cảm, sự yêu thương, chỗ đứng của họ trong lòng khán giả. Danh hiệu không phải đích đến, không phải làm điểm cuối để phấn đấu của nghề nghiệp, chinh phục khán giả - mới là mục đích tối thượng của nghệ sĩ chân chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn