MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đằng sau ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc là mồ hôi và nước mắt. Ảnh: YG Entertainment

Đằng sau sự hào nhoáng và kiếm bộn tiền của công nghiệp văn hóa giải trí

Mai Lý LDO | 16/08/2023 07:15

Câu chuyện công nghiệp văn hóa ở Việt Nam tiếp tục được bàn luận với nhiều góc sâu rộng hơn sau 2 đêm nhạc của nhóm Blackpink bùng nổ trên sân vận động Mỹ Đình.

Để hướng tới nền công nghiệp văn hóa phát triển đến năm 2045, chúng ta không chỉ nhìn vào lợi nhuận khổng lồ, nhìn vào sự hào nhoáng của ngành giải trí, còn cần nhìn vào cả những hệ lụy, những góc tối có thể xảy đến khi thực hiện công nghiệp hóa ngành văn hóa giải trí.

Công nghiệp giải trí sẽ coi khán giả là “thượng đế” bởi khi đó, khán giả chính là khách hàng. Mọi sản phẩm của công nghiệp giải trí đều hướng tới thị hiếu khán giả, phục vụ khán giả và nghệ sĩ luôn phải lấy lòng khán giả bằng mọi giá.

Khi đứng trước khán giả, nghệ sĩ luôn phải xuất hiện với hình ảnh hoàn hảo nhất, đẹp từ ngoại hình đến phẩm cách. Những quy định khắt khe về ngoại hình từ lâu đã trở thành luật bất thành văn, các nghệ sĩ Hàn Quốc buộc phải tuân theo.

Ngay từ khi ra mắt trong nhóm nhạc nữ MAMAMOO, nữ ca sĩ Hwasa đã rơi vào tầm ngắm của nhiều người hâm mộ khi sở hữu ngoại hình “lệch chuẩn Kpop”. Ngay lập tức, dư luận chĩa mũi dùi về phía Hwasa với những lời lẽ cay độc trên khắp các diễn đàn: “Nhìn đôi chân to như cột đình của cô ta kìa” hay “Xấu thế này mà cũng dám làm thần tượng à?”.

Chẳng riêng nghệ sĩ nữ, các sao nam tại Hàn Quốc cũng phải chịu những ánh mắt soi mói về cân nặng và ngoại hình. Dưới áp lực của dư luận, nhiều nghệ sĩ đã phải tuân theo chế độ ăn uống khắt khe. Khán giả còn tự cho mình quyền quyết định chuyện hẹn hò của nghệ sĩ. Ca sĩ Jennie của nhóm nhạc BlackPink đã bị “tấn công” ngay trên chính trang Instagram của mình sau khi tin tức cô hẹn hò với thành viên V của nhóm nhạc BTS lộ ra.

Chuyên gia văn hóa Hàn Quốc Kim Sung Soo nhận định: “Khi người hâm mộ quá say mê thần tượng, họ sẽ vượt quá ranh giới để trở nên chiếm hữu, như thể họ đang sở hữu anh ấy/cô ấy”.

Bản chất của ngành công nghiệp giải trí là dựa vào sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ. Ở đó, người hâm mộ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của thần tượng khi họ bỏ tiền bạc, thời gian và công sức để quảng bá cho thần tượng của mình.

Cái chết của Sulli Choi từng gây chấn động khán giả khắp Châu Á. Truyền thông Hàn Quốc cho biết, Sulli Choi đã phải chịu áp lực lớn từ dư luận trong thời gian dài. Cô liên tục bị antifan tấn công với những lời lẽ miệt thị, xúc phạm.

Mặc dù trong những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều động thái tích cực trong việc bảo vệ các nghệ sĩ như sửa luật giới hạn giờ làm, đưa ra đạo luật Sulli để chống lại những bình luận ác ý trên mạng, nhưng dường như những nỗ lực này vẫn chỉ là “muối bỏ bể”.

Tại Hàn Quốc, phần lớn các thực tập sinh tại những công ty giải trí đều phải trải qua chương trình đào tạo khắc nghiệt với thời gian đào tạo kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không chắc có được ra mắt hay không? Nếu may mắn được ra mắt, các thần tượng lại phải tiếp tục làm việc với cường độ cao mỗi ngày. Các thành viên nhóm nhạc BTS cũng từng thừa nhận làm việc tới 15 tiếng/ngày. Báo Hàn từng đăng ảnh trưởng nhóm BTS là RM tập luyện với một chiếc khăn giấy thấm đầy máu mũi. Theo JYP Entertainment, chi phí để đào tạo một nhóm nhạc tân binh rơi vào khoảng 700 - 900 triệu won (tương đương 12 - 16 tỉ đồng).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn