MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Danh tướng tài ba khiến các nước chư hầu khiếp sợ thời Tần Thủy Hoàng

Chí Long LDO | 01/07/2024 08:28

Vương Tiễn là danh tướng nước Tần cuối thời Chiến Quốc, có công đánh dẹp các nước chư hầu ở Sơn Đông, giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa.

Theo phim tài liệu "Bí ẩn những chiến binh đất nung" (Netflix, 2024), lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng năm 259 TCN, khi ông vẫn còn là Tần vương Chính, 13 tuổi.

Để thống nhất giang sơn sau nhiều năm, bên cạnh Tần Thủy Hoàng không thiếu các anh hùng mưu sĩ, võ tướng tài giỏi. Một trong số đó phải kể đến Vương Tiễn - đại danh tướng của nhà Tần khiến cho các nước chư hầu khiếp sợ.

Dẹp tan nội loạn, bình định 6 nước chư hầu

Vương Tiễn (304 TCN-214 TCN) là người làng Tân Dương Đông (nay thuộc Thiểm Tây, Trung Quốc). Ông là một trong "tứ đại danh tướng" thời Chiến Quốc, bên cạnh Liêm Pha, Lý Mục và Bạch Khởi.

Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, trước khi làm tướng nắm quyền ở mặt trận, ông từng là người dưới quyền Bạch Khởi, tham gia trận Trường Bình nổi tiếng năm 262 TCN với quân Triệu.

Sau khi Bạch Khởi bị giết vì trái ý Tần Chiêu Tương vương, Vương Tiễn nổi lên như một vị tướng tài, thay thế Bạch Khởi đánh đông dẹp bắc, được lòng quân dân.

Vương Tiễn là danh tướng thời Tần. Ảnh minh họa: Sohu

Lúc Tần vương Chính (Tần Thủy Hoàng sau này) mới lên ngôi vài năm, tướng Phàn Ô Kỳ nghi ngờ xuất thân của vua Tần, bèn lập 1 người khác làm vương, đem quân lật đổ Tần vương Chính. Biết tin, Thừa tướng Lã Bất Vi cử cha con Vương Tiễn, Vương Bí cùng Hoàn Nghĩ mang quân đón đánh.

Cha con Vương Tiễn một mực trung thành với Tần vương Chính, không tin vua Tần là con Lã Bất Vi. Chỉ sau 2 trận, Vương Tiễn đánh bại Phàn Ô Kỳ, lấy được niềm tin của Tần vương Chính.

Không những dẹp tan nội loạn, Vương Tiễn còn có công lớn trong việc giúp Tần vương Chính tiêu diệt các nước chư hầu, từng bước thống nhất thiên hạ.

Năm 229 TCN, Vương Tiễn được lệnh đem quân diệt Triệu, đại tướng Lý Mục của Triệu nghênh chiến, 2 bên giằng co 1 năm. Đến năm 228 TCN, vua Triệu mắc kế ly gián của Tần, cho người giết chết Lý Mục. Vương Tiễn thừa cơ tấn công, bắt sống Triệu vương, tiêu diệt nước Triệu.

Cũng trong năm đó, Vương Tiễn được lệnh đem quân tấn công nước Yên. Tháng 10 năm sau, quân ông chiếm được kinh đô Kế của nước Yên, khiến Yên vương phải trốn chạy đến Liêu Đông.

Sử sách ghi lại, Vương Tiễn không chỉ giỏi chớp thời cơ tiến đánh bất ngờ và còn biết liệu thực lực, tùy cơ ứng biến. Ông luôn tìm ra phương pháp đánh thắng một cách linh hoạt, khiến quân địch phải khiếp sợ.

Năm 225 TCN, Vương Tiễn đem 60 vạn quân Tần đi chinh phạt nước Sở, tướng Sở Hạng Yên nghênh chiến. Thấy quân Sở khí thế đang hăng, Vương Tiễn áp dụng phương pháp phòng thủ, đóng cửa trại không ra đánh. Hàng ngày, ông cho quân nghỉ ngơi, ăn uống no đủ, quan tâm quân lính.

Ông từng giúp Tần Thủy Hoàng đem quân chinh phạt các nước chư hầu, lập vô số chiến công. Ảnh minh họa: Sohu

Khi quân Sở mất kiên nhẫn, lòng quyết tâm và nhuệ khí đã giảm, Vương Tiễn mới đưa quân truy quét. Quân Sở thua chạy. Năm sau, ông cùng Mông Vũ hợp lực tác chiến bắt sống Sở vương Phụ Sô, đem đất đai nước Sở sáp nhập vào Tần. Tàn quân nước Sở cũng bị ông lần lượt tiêu diệt.

Sau đó vì tuổi cao, sức yếu, Vương Tiễn cáo lão về lại Dĩnh Dương. Con ông là Vương Bí tiếp tục cầm quân diệt nốt các nước chư hầu còn thoi thóp. Năm 223 TCN, Vương Bí từ Yên đánh xuống Tề, bắt sống Tề vương Điền Kiến, hoàn thành thống nhất Trung Hoa. Tần vương Chính lên ngôi hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Năm 214 TCN, Vương Tiễn mất, thọ 90 tuổi.

Thoát chết nhờ cố tình làm "tham quan"

Cả đời Vương Tiễn chinh chiến sa trường, lập bao chiến tích cho Tần Thủy Hoàng. Lúc về già, ông là một trong những vị tướng hiếm hoi được về quê an dưỡng, không bị Hoàng đế đa nghi bày mưu tiêu diệt.

"Sử ký" của Tư Mã Thiên ghi lại, trong trận chiến chinh phạt nước Sở, Vương Tiễn đem theo 60 vạn quân - gần như toàn bộ binh lính nước Tần. Lúc này, sợ Tần vương nghi ngờ có lòng tạo phản, Vương Tiễn đã chủ động bẩm báo đòi phần thưởng trước lúc xuất chinh.

Vương Tiễn thoát chết nhờ cố tình làm tham quan. Ảnh minh họa: Sohu

Theo đó, Vương Tiễn tâu với Tần vương Chính rằng tuổi mình đã già, lương bổng cũng không dư dả nên muốn một căn nhà to, vài trăm mẫu đất. Nghe thế, Tần Thủy Hoàng bật cười đáp Vương Tiễn cứ yên tâm ra trận, Tần vương chắc chắn sẽ không bạc đãi ông.

Trước mỗi trận chiến lớn, Vương Tiễn thường cố ý tự bôi xấu mình, biến mình thành một tham quan điển hình như đòi tiền thưởng, phong đất đai, nhà cao cửa rộng. Khi được hỏi, ông giải thích:

"Tần vương tính kiêu ngạo, lại không tin người, nay cử binh cả nước cho ta nắm giữ đi đánh Sở, nếu ta không xin thêm nhà cửa đất đai để ổn định cơ nghiệp cho con cháu, Tần vương nhất định sẽ nghi ngờ lòng trung thành của ta".

Nhờ sự khôn khéo đó, Tần Thủy Hoàng tin rằng ông không có mưu đồ tạo phản, yên tâm giao binh cho ông. Sau này, Vương Tiễn được cáo lão về quê, con cháu ông cũng được Tần Thủy Hoàng trọng dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn