MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Mai" của Trấn Thành và "Đào, phở và piano" cùng ra rạp với cách thức phát hành đối nghịch nhau. Ảnh: Nhà sản xuất

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Phim Nhà nước đặt hàng yếu kém ở khâu phát hành

Hiền Hương (thực hiện) LDO | 24/02/2024 11:37

Xoay xung quanh những tranh cãi về chuyện phát hành “Đào, phở và piano”, phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, thuộc quân số của Hãng phim truyện Việt Nam, đã tham gia làm nhiều dự án đặt hàng của nhà nước.

Bộ phim “Đào phở và piano” là dự án đặt hàng 21,9 tỉ đồng, lặng lẽ ra rạp nhưng bất ngờ được chú ý nhờ một Tiktoker review. Cá nhân anh cũng từng tham gia những dự án phim lịch sử, phim chiến tranh đặt hàng. Câu chuyện anh muốn chia sẻ nhất về phim đặt hàng là gì?

Là sự yếu kém ở khâu phát hành của các phim từ nguồn vốn nhà nước.

Mỗi bộ phim đều có số phận riêng và tôi là một trong số rất ít những đạo diễn có phim tài trợ hoặc đặt hàng được phát hành tử tế.

“Đường thư” được Fafilm Việt Nam và Quân đội phát hành khá rộng rãi. “Vũ điệu tử thần” được phát hành trên hệ thống rạp cả nước và cũng chiếu lai rai ở một số rạp Sài Gòn dù phim nói giọng Bắc. Tuy nhiên, thời điểm đó, chính đơn vị sản xuất là VFS (Hãng phim truyện Việt Nam) lại chẳng quan tâm.

Đó là điều khiến cả đoàn làm phim mất hứng nhất. Dù bạn làm bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao và hấp dẫn khán giả đến đâu, với cơ chế phát hành như vậy, thì cũng chỉ thế thôi.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Đào, phở và piano” ra rạp với phương thức phát hành hoàn toàn ngược lại với xu hướng hiện nay. Anh có cho rằng, phương thức sản xuất, phát hành phim đặt hàng đã lỗi thời so với dòng chảy thị trường đã có quá nhiều biến đổi?

Tôi nghĩ là cần phải thay đổi từ lâu rồi chứ không phải bây giờ.

Lỗi thời không phải là từ đủ để chỉ cho hệ thống phát hành phim nhà nước vốn dĩ cần phải cơ cấu lại và có lộ trình cụ thể.

Tuy nhiên, ai là người thay đổi? Và thay đổi như thế nào? Vấn đề ở đây là quả bóng trách nhiệm cứ đá từ chân nọ qua chân kia rồi cuối cùng mất hút ở đâu đó.

Có nhiều vấn đề được đặt ra trong suốt nhiều năm khi phim nhà nước ra rạp khó bán vé. Theo giới chuyên gia, nếu bỏ ra hơn 20 tỉ đồng làm phim, chỉ để chiếu vài ngày rồi cất kho là lãng phí. Suy nghĩ của anh?

Lãng phí cũng không phải là từ đủ để chỉ cho việc này. Đây là công lao tâm huyết của biết bao người chứ không chỉ dừng ở mấy chục tỉ tiền đóng thuế. Phim làm ra thì phải được phát hành, được đưa tới công chúng đàng hoàng.

Từ đó cũng tạo ra dư luận xã hội và báo chí rộng rãi để đánh giá chất lượng sản phẩm, cũng là cách để các nhà quản lý biết chất lượng sản phẩm làm ra đang ở đâu, các kì liên hoan phim cũng công tâm hơn, dư luận đỡ lùm xùm… Và trên hết, chúng ta có một đời sống văn nghệ hòa cùng xã hội dân sự.

“Đào, phở và piano” được đầu tư 21,9 tỉ đồng, nhưng doanh thu tính đến 21.2 mới được hơn 1 tỉ đồng. Sau khi phim không bán vé online, doanh thu không thể tính được và trở nên “bí ẩn“. Ảnh: Nhà sản xuất

Có đạo diễn từng nói, thế giới làm phim chiến tranh, phim lịch sử phải cần đến cả trăm triệu USD mới hay được, nhưng ở Việt Nam, chỉ có 1 triệu USD làm phim chiến tranh, rất khó hay, vì kinh phí hạn hẹp. Anh nghĩ sao?

Bao năm rồi mà khoản tiền cấp cho sản xuất phim không thay đổi. Nên có sự thay đổi trong việc cấp ngân sách làm phim hàng năm - đồng thời đi kèm với cơ chế quản lý chất lượng và phát hành phim để thu hồi vốn.

Cũng nên có cơ chế kiểm duyệt mềm mại tôn trọng nhà sản xuất, nghệ sĩ, tác phẩm và hành xử theo Luật Điện ảnh.

Muốn bộ phim hấp dẫn, phát hành được thì nên có cơ chế kiểm duyệt chuẩn với luật. Ngoài ra, không phải kinh phí lớn thì phim hay, dù Việt Nam hay quốc tế thì cũng vậy thôi. Kinh phí đủ, kịch bản tốt, diễn viên tốt, team chuyên nghiệp, đạo diễn có nghề là ổn.

Anh có tin, nếu có 100 triệu USD, các đạo diễn Việt Nam sẽ cho ra đời những bộ phim chiến tranh bom tấn không? Vì, cũng có ý kiến cho rằng, để tiêu được 100 triệu USD hiệu quả, cũng cần đầu óc thiên tài?

Tôi nghĩ là được. Phim lịch sử và chiến tranh đều cần những cảnh quay đã mắt và hoành tráng. Diễn viên cũng có thể mời những ngôi sao tên tuổi từ nước ngoài tham gia, nếu cần.

Thế giới này phẳng từ lâu rồi, trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì phim ảnh, chỉ là không có cơ chế phù hợp và tiền đầu tư thỏa đáng để lấp đầy những vùng trũng trong tư tưởng của chúng ta thôi.

Ngay cả khi tạo được sự chú ý bất ngờ, “Đào phở và piano” vẫn đối mặt nguy cơ thua lỗ. Từng có thời, chúng ta mặc định cho rằng, phim tư nhân và phim nhà nước là 2 cách thức, 2 cơ chế, 2 mục đích làm phim khác nhau. Thế nhưng, thời đại đã thay đổi, đội ngũ làm phim nhà nước sẽ không thể đứng im, và vận hành mãi theo cách cũ. Sự đổi mới cần bắt đầu tư đâu theo anh?

Từ mục tiêu làm phim. Tức là cơ chế quản lý dự án sau đó là kiểm duyệt và phát hành. Chỉ cần đúng đắn, trung thực, trách nhiệm và hiệu quả cụ thể thôi, đã rất tuyệt rồi.

Bộ phim “Vũ điệu tử thần” được nhà nước đầu tư 1 tỉ đồng năm 2007, sau khi trừ chi phí cho đoàn phim, còn khoảng 450 triệu đồng sản xuất. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, đây là phim hiếm hoi được phát hành tốt và có doanh thu khả quan so với chi phí 450 triệu đồng sản xuất. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Anh có nghĩ, nhà nước nếu đặt hàng phim cũng nên nghĩ nhiều cách, đơn cử như hợp tác với tư nhân từ sản xuất đến phát hành, tìm đạo diễn thực sự giỏi trên thị trường, tìm những ê-kíp làm tốt về kỹ xảo, âm thanh... ?

Rất tốt và nên bắt đầu như thế. Tuy nhiên, cần có chính sách mạch lạc quyền lợi và trách nhiệm thì mới tồn tại và phát triển được.

Cũng chẳng cần phải tư nhân tham gia mà ngay cả các thành phần đoàn phim, nhiều người cũng muốn góp cổ phần cho sản xuất và phát hành để cùng chia lợi nhuận.

Thực ra chính tôi cũng muốn tham gia đầu tư chứ không phải chỉ đơn thuần làm nghề ở vị trí đạo diễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn