MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Scandal: Bí mật thảm đỏ” của Victor Vũ - 1 phim Việt có cách dựng hay. Chụp từ trailer phim

Đạo diễn còn loay hoay - khán giả còn bối rối

Việt Văn LDO | 26/05/2022 06:54

Xem một số phim truyện điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây, có thể thấy rất ít tác phẩm hoàn thiện như mạch máu chảy thông suốt trong cơ thể mà cảm giác hay bị nghẽn mạch, bởi lỗi chỗ này hay khớp chỗ khác mà ta hay gọi là “sạn”. Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp cần sự đồng bộ hài hòa ở tất cả các khâu. Ở đây khâu dựng phim và xây dựng nhân vật đóng vai trò quyết định.

Dựng phim là tư duy kể chuyện

Dựng phim là khâu vô cùng quan trọng, quyết định thành bại của phim. Bởi người dựng phải nắm rõ ý tưởng kịch bản và tầm nhìn của đạo diễn, và tham gia xây dựng ý tưởng hình ảnh và nội dung… Có những phim thất bại là do khâu dựng, bởi dựng phim chính là lựa chọn cách kể câu chuyện hình ảnh tới khán giả. Còn nhớ đạo diễn nổi tiếng thế giới Terrence Malick đã phải đổi người dựng phim tới 3 lần để tạo nên một siêu phẩm “The Thin Red Line” (Lằn ranh đỏ). Ở Việt Nam, “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải là một minh chứng cho cách dựng phim hay (ở đây có sự giúp đỡ của đạo diễn Hollywood Philipie Noyce) hay một số phim của đạo diễn Victor Vũ như “Scandal: Bí mật thảm đỏ”.

Dựng phim tuyến tính hay phi tuyến tính đều không quan trọng mà thủ pháp chỉ cốt nhằm tới hiệu quả cao nhất. Khán giả xem phim không có nhu cầu và thời gian nghe đạo diễn giải thích muốn xem phim phải cần kiến văn này nọ, phải tập thói quen mới mà họ chỉ xem theo thị hiếu và đánh giá phim theo phông văn hóa của họ. Nhiều phim Việt sử dụng thủ pháp hồi tưởng, nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi, bởi nếu làm không tốt khán giả xem sẽ bị mơ hồ và cảm giác đạo diễn bị rối…

Dĩ nhiên phim nghệ thuật có thể chấp nhận các thủ pháp kể cả làm khán giả khó chịu, hoang mang như đạo diễn Malick kể trên từng làm phim không kịch bản như “To the Wonder” (Điều kỳ diệu, 2012), “Knight of Cup” (Cuộc tình vô định, 2015) và “Song to Song” (Khúc ca tình yêu) (2017). Phim không đặt ra vấn đề mà chỉ đặt ra câu hỏi, không giải quyết nút thắt mà chỉ khuyến khích tiếp diễn câu chuyện.

Nhưng với phim thương mại thì điều đầu tiên là khán giả phải dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

“Dễ thương một cách dễ sợ”

Xem nhiều phim truyện điện ảnh Việt gần đây, dễ thấy nhân vật phản diện được các nhà làm phim xây dựng hời hợt, một chiều theo kiểu “đầu to óc quả nho”. Nhìn là biết ngay theo kiểu “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, nhân vật phản diện thường mặt mũi dữ tợn hoặc xấu xí hạ tiện. Nói năng thì lỗ mãng, với giới xã hội đen thì mở miệng là văng tục hoặc đe dọa người khác, đôi mắt lúc nào cũng trợn lên, long lên và hành xử theo kiểu đầu đường xó chợ. Nhất là những ông trùm, ít thấy phim nào xây dựng được một nhân vật cá tính mạnh mẽ, không lên gân, thâm trầm, nham hiểm, nói ít nhưng “chất”. Có diễn viên thoạt nhìn tướng mạo rất phù hợp, phong thái tạo dáng như con đại bàng nhưng khi cất giọng lại hỏng. Hoặc là đài từ nhấn nhá cố tình tỏ ra nguy hiểm, hoặc là đưa ra những câu triết lý vụn vặt.

Làm sao để tạo ra một ông trùm “dễ thương một cách dễ sợ” như câu nói của người miền Nam là thách thức thực sự của các nhà làm phim Việt.

Nhân vật bà trùm một con do Như Quỳnh thủ vai và gã sát thủ - nhà thơ do ngôi sao Lương Triều Vỹ đóng trong phim “Xích lô” là một ví dụ sinh động về cách thể hiện độc đáo của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. 

Với nhân vật chính diện trong nhiều phim truyện điện ảnh cũng chưa thuyết phục. Có nhân vật tốt từ đầu đến cuối, tốt đến vô điều kiện khó tin như nhân vật họa sĩ trong phim “Kẻ thứ ba”. Lại nhớ phim nổi tiếng “Amour” (Tình yêu) của đạo diễn Michael Haneke mô tả sự chăm sóc tận tụy hết lòng của người chồng Georges với vợ Anne bị mất trí nhớ, trong phim có cảnh vì quá mệt mỏi cả về thể xác và tinh thần, Georges đã tát vợ một cái… Khán giả không trách nhân vật mà chỉ thấy thương bởi hiểu được áp lực to lớn mà Georges phải gánh chịu…

Dĩ nhiên trong một số phim Việt cũng có sự biến chuyển trong tính cách nhân vật chính diện kể cả từ tốt thành xấu nhưng thường sự lý giải hay bước chuyển chưa logic nên khán giả khó tin.

Có nhiều ý kiến cho rằng phim ảnh là nghệ thuật sao cứ đòi phải giống thực, giống đời, mà không thể phóng đại, cường điệu lên. Nhưng vấn đề ở chỗ nhiều đạo diễn Việt chưa đủ tài năng để làm những tác phẩm lớn khiến người xem phải choáng ngợp, hay bàng hoàng, ám ảnh hoặc day dứt, xúc động..., và bị dẫn dắt vào câu chuyện với một cách kể duyên dáng và thông minh. Khi đó, khán giả có thể dễ bỏ qua những chi tiết bất hợp lý vì họ bị quá đắm chìm vào diễn tiến của câu chuyện...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn