MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Đạo diễn làm phim về người Mông nói gì về tục tảo hôn?

Mi Lan LDO | 31/12/2022 14:17
Tục “kéo vợ” và chuyện tảo hôn của người Mông từng được gọi là “vấn nạn”. Trong cuộc trò chuyện với 2 đạo diễn vừa có phim gây tiếng vang về cuộc sống, hôn nhân của người Mông, họ lại cho rằng: Rất khó để nói đúng hay sai.

Hai bộ phim “Khu rừng của Páo” và “Những đứa trẻ trong sương” gây ấn tượng trong năm 2022. Hai phim đều lấy đề tài về cuộc sống, hôn nhân, hành trình trưởng thành của những đứa trẻ người Mông.

Trong đó, “Khu rừng của Páo” đoạt giải Phim ngắn xuất sắc tại LHP quốc tế Hà Nội. Phim “Những đứa trẻ trong sương” hiện lọt vào danh sách rút gọn top 15 đề cử Oscar ở hạng mục “Phim tài liệu dài xuất sắc”. Top 5 đề cử Oscar sẽ được công bố vào tháng 2.2023.

Trước khi tham dự Oscar, “Những đứa trẻ trong sương” đã trình chiếu và tham dự nhiều LHP quốc tế. Bộ phim thắng giải tại liên hoan phim quốc tế IDFA (Hà Lan), Liên hoan phim quốc tế về giáo dục (Festival du film d'éducation, Pháp), Liên hoan phim quốc tế Cork (Ireland), Liên hoan phim quốc tế Docaviv (Israel)...

“Những đứa trẻ trong sương” được quay trong hơn 3 năm để thể hiện hành trình trưởng thành của bé gái Mông từ khi 12 tuổi đến thời điểm trở thành thiếu nữ. Trong hành trình ấy, Di (cô bé Mông) đã có chàng trai đến "kéo vợ" – một tập tục của người Mông – nhưng Di từ chối để tiếp tục hành trình của mình.

Cô bé Di và bạn trai đến làm lễ kéo vợ trong phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Theo đạo diễn Hà Lệ Diễm, tục kéo vợ xuất hiện trong phim đánh dấu mốc quan trọng trên ranh giới trưởng thành của Di nên là tình tiết quan trọng của phim. Nói về tục kéo vợ và việc tảo hôn trong đời sống của người Mông, đạo diễn Hà Lệ Diễm đưa quan điểm: “Tảo hôn luôn được gọi là “vấn nạn”. Tôi lại cho rằng, không gian sống, thời gian sống và văn hóa sống ở miền núi rất khác thành phố.

Bạn bè tôi là người Tày, nhiều người lấy chồng sớm vì đói nghèo, vì hoàn cảnh. Câu chuyện tảo hôn liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó có kinh tế, không gian sống, chứ không đơn thuần chỉ là văn hóa phong tục tập quán”.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm là người Tày, sinh ra và lớn lên ở Bắc Kạn. Cô kể: “Tôi có người bạn (người Dao), bố mất sớm, mẹ bạn ấy không đủ sức nuôi con, công việc đồng áng, nương rẫy lại vất vả. Bạn tôi phải nghỉ học, vì không thể cáng đáng kinh tế trong nhà nên bạn lấy chồng sớm. Khi lấy chồng, bạn có người hỗ trợ việc đồng áng, gia đình có thêm người, mọi việc đỡ vất vả hơn rất nhiều. 

Tôi nghĩ, không gian sống, hoàn cảnh kinh tế quyết định rất nhiều đến việc kết hôn. Ở miền núi, quan điểm về sự đủ đầy, hạnh phúc... cũng rất khác người ở thành phố”.

Đạo diễn đặt câu hỏi, những cô gái người Tày, người Mông không học đại học, việc nương rẫy lại nặng nhọc cần người đỡ đần, sẽ phải làm gì nếu không lấy chồng?

“Những đứa trẻ trong sương” lấy chủ đề chính của phim là tuổi thơ và sự biến mất của thơ ấu, về tầm quan trọng của giáo dục trong thế giới hiện đại xen lẫn các giá trị truyền thống.

“Còn về tảo hôn, phim cũng mong muốn có thể đưa ra một cái nhìn đa chiều khiêm tốn về việc này, trong phim người Mông nói rất nhiều về họ, họ sẽ lý giải vì sao họ làm như thế” – Hà Lệ Diễm nói.

Cùng quan điểm như Hà Lệ Diễm, đạo diễn Thành Đạt phim “Khu rừng của Páo” cũng cho rằng, rất khó để nhận định đúng hay sai về chuyện tảo hôn khi văn hóa sống, không gian sống ở thành phố khác xa miền núi.

Páo (áo đỏ) và đạo diễn Thành Đạt trong quá trình làm phim “Khu rừng của Páo“. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Thành Đạt nói: “Sau bộ phim, mọi người phản ứng rất nhiều về cái kết, rằng tại sao tôi không đưa ra góc nhìn cụ thể là phong tục đó tốt hay xấu, ta có nên xóa bỏ hay duy trì nó?

Bản chất từ đầu, tôi chỉ là một người ngoài cuộc, không nằm trong cộng đồng đó nên không có quyền quyết định.

Kể cả khi tôi nói chuyện với Phá (nhân vật chính trong phim) về việc cậu ấy có muốn thay đổi phong tục đó không thì cậu ấy luôn nói là không, nhưng vẫn có một sự đắn đo trong câu phủ nhận đó.

Khi quay bộ phim, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người Mông nhưng họ đều xem việc này là bình thường, giống như việc mình lấy vợ mà thôi. Chỉ trong một số trường hợp hi hữu thì nó trở thành bi kịch, còn hầu hết mọi người vẫn sống vui vẻ với điều đó.

Tôi nghĩ như thế thì tôi đâu có quyền bảo rằng điều này là tốt hay xấu và ta có nên thay đổi hay không?”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn