MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hậu trường phim "Đào, phở và piano". Ảnh đoàn phim cung cấp

Đạo diễn Phi Tiến Sơn kể chuyện dựng bối cảnh phim "Đào, phở và piano"

Anh Tuấn LDO | 04/03/2024 08:33

Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã có những chia sẻ về lí do làm bộ phim “Đào, phở và piano” cũng như quá trình dựng bối cảnh để thực hiện.

Khi cơn sốt về bộ phim "Đào, phở và piano" vẫn chưa lắng xuống, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã có những chia sẻ với công chúng về lý do, nguồn cảm hứng cũng những khó khăn khi ông thực hiện bộ phim này và dòng phim lịch sử nói chung.

Không phải phim đặt hàng

"Tôi sinh ra ở khu phố cổ Hà Nội. Từ nhỏ tôi đã lang thang khắp các ngõ ngách ở thành phố này. Hà Nội rất thân thuộc với tôi, từ những con đường, những gương mặt đến kỷ niệm thời thơ ấu.

Từ lâu rồi, tôi tự hứa với bản thân sẽ phải làm một cái gì cho thành phố thân yêu này. Tôi làm hoàn toàn vì tình yêu với Hà Nội, chứ không phải do đơn đặt hàng của bất kì ai cả" - đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ trong buổi tọa đàm "Từ Hà Nội mùa đông năm 46" đến "Đào, phở và piano" cùng nhạc sĩ Dương Thụ và đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Từ Mỹ, đạo diễn Phi Tiến Sơn tham gia theo hình thức trực tuyến cuộc tọa đàm "Từ Hà Nội mùa đông năm 46” đến “Đào, phở và piano“ cùng nhạc sĩ Dương Thụ và đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: Anh Tuấn

Mong muốn là thế nhưng sau hàng chục năm, đạo diễn Phi Tiến Sơn vẫn chưa hình dung ra được ý tưởng cụ thể bộ phim của mình sẽ như thế nào vì "làm về Hà Nội khó lắm. Mọi khía cạnh đều đã có người khai thác rồi. Hai chục năm nay đâu có bộ phim mới nào về Hà Nội đâu".

"Đào, phở và piano" được thai nghén những ý tưởng đầu tiên từ năm 2010 trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Suốt hàng chục năm sau đó, đạo diễn Phi Tiến Sơn thu thập, tìm kiếm tư liệu, đắp da đắp thịt để hoàn thiện kịch bản.

Đến cuối năm 2022, mọi thứ đã sẵn sàng và công đoạn ghi hình chính thức bắt đầu.

Vượt muôn vàn khó khăn

Ở Việt Nam, làm một bộ phim lấy bối cảnh lịch sử là việc vô cùng khó khăn. "Tôi đã đi khắp các ngõ ngách ở Hà Nội nhưng chưa thấy nơi nào có 3 ngôi nhà cổ đặt liên tiếp sát cạnh nhau. Nên việc tìm bối cảnh cho "Đào, phở và piano" đặt ra một thử thách hết sức khó khăn" - đạo diễn Phi Tiến Sơn tâm sự.

"Chúng ta hay ca ngợi Trung Quốc là tại sao họ làm phim lịch sử, phim cổ trang hay như thế. Vì bên đó cái gì cũng sẵn, từ bối cảnh đến trang phục, đạo cụ. Họ có những phim trường rộng bằng cả thành phố. Phục trang, mũ nón, áo giáp... thời kì nào cũng có, muốn bao nhiêu bộ là có bấy nhiêu.

Còn ở ta thì cái gì cũng phải làm lại. Chúng tôi đi hỏi khắp nơi mới mượn được cái xe ô tô cũ mà nhân vật ông Phán của anh Tuấn Hưng dùng trong phim. Khổ nỗi chiếc xe đó vì cổ quá, nên trong quá trình ghi hình hỏng lên hỏng xuống. Khi sửa được thì nó lại nhả khói, khiến cho anh em quay phim sau khi quay xong ho sặc sụa, nước mắt dàn dụa vì sặc khói".

Đạo diễn Phi Tiến Sơn (áo xanh, hàng đứng thứ hai từ trái sang) cùng ê-kíp trên phim trường "Đào, phở và piano". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để khắc phục khó khăn về bối cảnh, ê-kíp làm phim quyết định phục dựng lại toàn bộ bối cảnh chính của phim là một đoạn phố cổ.

"Việc dựng hiện trường bao gồm 3 công đoạn: đầu tiên là xây mới những căn nhà, con đường; sau đó là dùng xe cẩu đập vỡ chúng đi đến trơ cả gạch đỏ ra; cuối cùng là dùng thủ thuật phun khói, phun sơn sao cho trông nó cũ kỹ, hoang tàn đổ nát giống như thời chiến tranh" - đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết.

May mắn cho đạo diễn là ê-kíp nhận được sự đỡ đầu, hỗ trợ về mặt tài chính của Hãng phim truyện I.

Cần hồi sinh dòng phim lịch sử

Góp mặt tại buổi tọa đàm, nhiều bậc tri thức lão thành cùng các bạn trẻ đều tán đồng ý kiến, cần phải tìm ra cách để khôi phục dòng phim lịch sử ở Việt Nam.

Nhạc sĩ Dương Thụ cho biết, lần đầu tiên ông tổ chức một buổi tọa đàm mà có đông các bạn trẻ đến dự như thế này, chứng tỏ giới trẻ rất quan tâm đến lịch sử dân tộc, đó là một tín hiệu đáng mừng.

Nếu không sớm tìm cách khôi phục dòng phim lịch sử Việt Nam thì dần dần giới trẻ Việt sẽ thuộc sử Tàu, sử Nhật và sử Triều Tiên hơn cả sử Việt Nam.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng cơn sốt của công chúng đối với "Đào, phở và piano" là một chỉ dấu tích cực, tiếp thêm niềm tin cho các nhà làm phim với chủ đề "khó nhằn" này.

"Làm phim lịch sử là con đường đầy chông gai, thử thách. Nhưng tôi tin rằng sau bộ phim của tôi, sẽ có rất nhiều nhà làm phim - cả nhà nước và tư nhân - muốn dấn thân vào con đường này" - đạo diễn Phi Tiến Sơn bổ sung.

"Bản thân tôi thời gian qua cũng nhận được một vài đề nghị viết kịch bản phim lịch sử. Tôi cũng đang cân nhắc xem mức độ mình có thể đóng góp đến đâu".

Nhiều bạn trẻ đưa ra gợi ý, các bạn sẵn sàng đóng góp công sức phi lợi nhuận để tham gia làm phim lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn