MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bức tranh có tên “Cô gái Dao đỏ” của hoạ sĩ Lê Thế Anh (trái) và tranh chép lại (phải) được Lê Thế Anh ký tên. Ảnh: NVCC

Đạo nhái, sao chép trong nghệ thuật: Chuyện cũ vẫn nhức nhối

Ngọc Dủ LDO | 11/11/2022 06:30
Đạo nhái, sao chép trong nghệ thuật xưa nay luôn là vấn đề nhức nhối. Không chỉ diễn ra ở lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh mà không ít tác phẩm tranh của các họa sĩ cũng bị ăn cắp chất xám nhằm trục lợi.

Liên tiếp những vụ việc đạo nhái nghệ thuật

Thời gian qua, làng nghệ thuật Việt chứng kiến không ít vụ đạo nhái, sao chép các tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi. Trong đó mới nhất, giới hội họa Việt Nam đang xôn xao chuyện họa sĩ Lê Thế Anh tố cáo họa sĩ Phạm Hồng Minh sao chép tranh của mình. Theo đó, hoạ sĩ Thế Anh cho biết tác phẩm “Lì xì nhé”  và “Cô gái Dao đỏ” của anh bị sao chép và họa sĩ Hồng Minh đã tự ký tên mình vào bức tranh.

Họa sĩ Thế Anh khẳng định việc họa sĩ Hồng Minh mua tranh sao chép không quan trọng, nhưng khi đã ký tên lên bức tranh sẽ gây hiểu lầm rằng anh là tác giả. Trong khi đó, tác phẩm “Lì xì nhé” đã được anh đăng ký bản quyền, tổ chức triển lãm và bán cho nhà sưu tập.

Phóng viên Lao Động đã liên hệ với họa sĩ Phạm Hồng Minh, anh khẳng định không sao chép tranh mà mua bức tranh tại một cửa hàng và sau đó đã ký tên. Theo lý giải của Hồng Minh, nam họa sĩ cho rằng, vì tranh anh đã mua nên nó thuộc quyền sở hữu của anh. Vậy nên, anh có quyền viết, vẽ hay ký tên lên... Nam họa sĩ khẳng định nếu bản thân vi phạm pháp luật thì có pháp luật chế tài.

Sự việc này khiến giới làm tranh xôn xao. Nhiều chuyên gia cho rằng họ không đồng tình với cách giải thích của Phạm Hồng Minh. Bởi việc ký tên lên bức tranh không phải tác phẩm mình tạo ra là sai trái.

Theo các chuyên gia về hội hoạ, việc sao chép tranh không chỉ ảnh hưởng đến giá trị của các bức tranh khiến họa sĩ, nhà sưu tập và người yêu nghệ thuật thiệt thòi mà còn khiến hình ảnh về mỹ thuật Việt Nam trở nên tồi tệ, gây hỗn loạn thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Không riêng gì lĩnh vực hội hoạ, chuyện đạo nhái, sao chép ở lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh còn gây nhức nhối hơn. Cách đây không bao lâu, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân liên tiếp vướng nghi án đạo nhái ý tưởng trong một số MV ca nhạc, trong đó có cả những MV đạt hàng triệu lượt xem. Nhiều sản phẩm của Nguyễn Trần Trung Quân hợp tác với Giám đốc sản xuất Dennis Đặng như “Màu nước mắt”, “Tự tâm”, “Canh ba” đều bị tố “đạo nhái”.

Ở lĩnh vực thời trang, hàng loạt những thiết kế bị tố đạo nhái sao chép. Trong đó, vụ việc người mẫu Ngọc Trinh sao chép thiết kế của nhãn hàng Ren bị nhà thiết kế Haixi Ren đăng đàn chỉ trích...

Theo các chuyên gia nghệ thuật, một nguyên nhân lớn khiến các sản phẩm nghệ thuật hiện nay bị tố sao chép, đạo nhái tràn lan vì chuyện trục lợi, muốn tạo danh tiếng bằng “con đường tắt” khi ăn cắp chất xám, sản phẩm của người khác để “phù phép” thành tác phẩm của mình.

Người làm nghệ thuật cần có sự tự trọng

Từ những ồn ào sao chép, đạo nhái thời gian qua, đã đến lúc công chúng yêu nghệ thuật phải thức tỉnh và kỹ lưỡng hơn với sự thưởng thức của mình. Chúng ta hoàn toàn có quyền bài trừ những sản phẩm đạo nhái, sao chép mà không có sự xin phép của tác giả. 

Riêng về lĩnh vực hội hoạ, hoạ sĩ Đoàn Hòa cho rằng, việc sao chép tranh ảnh trên thị trường hiện nay rất nhiều. Về cơ bản, sao chép tranh không hẳn là xấu nếu có sự đồng ý của tác giả gốc. Tuy nhiên, người sao chép tranh cần phải tuân thủ những nguyên tắc như không bôi nhọ tác phẩm gốc, không được chép đúng khổ chính xác của bản gốc; không được ký tên là tác giả sáng tác bức tranh đó và chỉ được chép số phiên bản có giới hạn, phía sau bức tranh phải ghi rõ đây là phiên bản số bao nhiêu. 

Vậy nên, hoạ sĩ Đoàn Hoà cho rằng, vấn đề cốt lõi của hoạ sĩ Phạm Hồng Minh gây xôn xao thời gian qua vì anh đã tự ý ký tên lên tác phẩm của hoạ sĩ Thế Anh và đã vi phạm quyền nhân thân, biến tác phẩm của người khác thành của mình. Điều này cần đáng lên án.

Hoạ sĩ Đoàn Hoà cho rằng với những người làm nghệ thuật, việc khắc phục tình trạng sao chép, đạo nhái tác phẩm phải đến từ ý thức, sự tự trọng của những người làm nghề. Họ phải biết xấu hổ vì tạo ra một tác phẩm không phải của mình mà dựa trên chất xám của người khác.

Theo luật sư Lê Minh - Văn phòng luật L&P tại TPHCM, hiện tại, hệ thống pháp luật đã có đầy đủ hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp vi phạm quyền tác giả, tác phẩm. Theo đó, mọi hành vi sao chép phải được sự đồng ý của tác giả.

Chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả mới được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các công việc như “làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép hoàn toàn hoặc một phần tác phẩm, phân phối tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến với công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất cứ phương tiện kỹ thuật nào khác”. Tổ chức, cá nhân sử dụng phải xin phép hoặc trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Về xử phạt vi phạm hành chính, luật sư Minh nói: “Áp dụng quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP và Nghị định 129/2021/NĐ-CP. Theo đó, căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật.

Đối với hành vi nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả trên bản sao tác phẩm, xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm, căn cứ Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, đồng thời buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch, buộc sửa lại đúng tên tác giả trên bản sao tác phẩm có thông tin sai lệch.

Về xử lý hình sự, trong trường hợp cố ý sao chép tác phẩm và phân phối đến công chúng với quy mô thương mại, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng (thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng trở lên; hàng hoá vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên), người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 Bộ luật Hình sự) và bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn