MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trong phim Đất rừng phương Nam do nhà sản xuất cung cấp.

“Đất rừng phương Nam” - câu chuyện bi tráng về miền Tây Nam Bộ

Mi Lan LDO | 16/10/2023 08:35

Từ những suất chiếu sớm, “Đất rừng phương Nam” tiếp tục gây tranh cãi về bối cảnh, phục trang, nhiều ý kiến cho rằng, phim không tái hiện đúng và chuẩn xác hình ảnh miền Tây xưa. Trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định, anh làm bộ phim này với tất cả tình yêu và ký ức ấu thơ tươi đẹp về miền Tây.

Ngay từ khi công bố dự án phim “Đất rừng phương Nam” - dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, êkip phim đã phải đứng giữa muôn vàn tranh cãi, đối sánh giữa bản điện ảnh với bản truyền hình (năm 1997) và tác phẩm văn học gốc.

Với tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỉ đồng, phim được khởi quay từ cuối năm 2022 trên nhiều bối cảnh ở khắp các tỉnh miền Tây như rừng Trà Sư, Tân Châu, Châu Đốc, Cầu Đất (An Giang), Gáo Giồng (Đồng Tháp), Trần Đề (Sóc Trăng), Trà Vinh, Cần Thơ... Phim có những suất chiếu sớm từ 13.10, hiện đã thu hơn 20 tỉ đồng trong ngày ra mắt.

Câu chuyện giàu cảm xúc

Đứng trước tranh cãi và áp lực dư luận, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, anh đã làm phim với tất cả tình yêu dành cho miền Tây, trong đó có cả những ký ức ấu thơ tươi đẹp mà cha anh (nhà văn Nguyễn Quang Sáng) đã kể.

“Khi tôi còn nhỏ, cha tôi rất hay kể cho tôi nghe những câu chuyện về miền Tây Nam Bộ. Quê tôi ở An Giang. Cha tôi có thời gian công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ. Bởi vậy, tuổi thơ tôi lớn lên với đầy ắp ký ức về chuyện ở miền Tây, về con người và vùng đất nơi này. Điều đó giúp tôi ấp ủ và thực hiện dự án Đất rừng phương Nam”.

Vượt qua những tranh cãi, tác phẩm điện ảnh “Đất rừng phương Nam” là câu chuyện đầy cảm xúc của cậu bé An (Hạo Khang) trên hành trình lưu lạc đi tìm cha, nhận được sự giúp đỡ, nuôi nấng của Út Lục Lâm (Tuấn Trần), cha con ông Tiều (Tiến Luật)...

Phim có những thước quay đẹp và giàu cảm xúc, tái hiện mảnh đất giàu tài nguyên, trù phú của khắp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đạo diễn đưa vào phim những cảnh đẹp đặc trưng của miền Tây như rừng ngập mặn, vườn cò, hệ thống kênh rạch chằng chịt, chợ nổi...

“Đất rừng phương Nam” tái hiện không gian miền Tây những năm 1920, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Người dân trong cuộc sống cam go, vừa trải qua những biến động lịch sử lớn lao, lo giữ nước giữ làng, lo làm ăn, vừa tham gia chiến đấu chống ngoại xâm.

Trên nền bối cảnh ấy, là hành trình lưu lạc đi tìm cha của cậu bé An. Bộ phim ghi điểm khi có được màn diễn xuất tự nhiên, sinh động của các “diễn viên nhí” như Hạo Khang (bé An), Bùi Lý Bảo Ngọc (bé Xinh), Đỗ Kỳ Phong (Cò)... Nếu dàn ngôi sao như Trấn Thành, Mai Tài Phến làm nên sức hút cho phim, dàn diễn viên nhí làm nên sức hấp dẫn về diễn xuất. Cùng với sự hỗ trợ tinh tế và bi tráng của âm nhạc, “Đất rừng phương Nam” trở thành câu chuyện đầy cảm xúc khi được kể lại bằng hình ảnh tươi sáng, hùng vĩ về miền Tây thời còn hoang sơ, trù phú nhưng quật khởi, anh hùng đi qua biến động lịch sử.

Quảng bá hình ảnh cho miền Tây

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, điện ảnh cần bối cảnh đẹp để quay, bối cảnh cần điện ảnh để được quảng bá rộng rãi. Anh hy vọng, sau bộ phim “Đất rừng phương Nam”, khán giả khắp mọi miền đất nước sẽ đổ về miền Tây, thưởng thức vẻ đẹp trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long thời hiện tại.

Cha anh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng là biên kịch của bộ phim kinh điển “Cánh đồng hoang”, là tác giả của câu chuyện đầy cảm xúc “Chiếc lược ngà”. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hy vọng, một ngày nào đó, có thể kể tiếp phần 2 của “Đất rừng phương Nam”, có thể chuyển thể “Chiếc lược ngà” hoặc “liều lĩnh” hơn, có thể kể tiếp câu chuyện về “Cánh đồng hoang”... những câu chuyện bất tận về miền Tây anh hùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn