MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết Độc lập hàng năm có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng cao Sơn La. Ảnh: Đức Thành

Dấu ấn Tết Độc lập trên vùng cao Sơn La

Khánh Linh LDO | 03/09/2022 09:16

Sơn La - Đã thành thông lệ, vào dịp Quốc khánh 2.9 hàng năm, đồng bào các dân tộc trên vùng cao đều gác lại công việc, nô nức vui Tết Độc lập.

Từ sáng sớm ngày 2.9, đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Co Mạ và các xã lân cận của huyện Thuận Châu nô nức đổ về trung tâm xã vùng cao Co Mạ để tham gia "Phiên chợ vùng cao" nhân dịp Quốc khánh 2.9. 

Đường trung tâm xã nườm nượp xe máy, ôtô, người đi bộ với những bộ quần áo sặc sỡ đổ về khắp các ngả đường. Người bán hàng, người đi chơi, mua sắm và cả du khách thập phương đã khiến không khí xã vùng cao tấp nập, đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. 

 Bà con nô nức đổ về trung tâm xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vui Tết Độc lập.

Trong dòng người đông vui, từng tốp chàng trai, cô gái Mông trong các trang phục truyền thống đa sắc màu xúng xính xuống chợ, họ đi dạo quanh, mua sắm đồ dùng thiết yếu, thưởng thức những món ăn truyền thống, hay đơn giản chỉ là dùng điện thoại lưu lại những bức ảnh đẹp. 

Hòa trong dòng người tấp nập, anh Sùng A Mua (trú tại xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: "Do dịch COVID-19 nên đã 2 năm rồi, mình không được đi chơi trong ngày Tết Độc lập. Năm nay, mình tranh thủ đưa con gái đi chơi chợ để mua sắm thêm đồ dùng cho con bước vào năm học mới, rồi mua thêm ít đồ dùng gia đình, đi ăn những món ăn ưa thích". 

Theo anh Mua, theo những người già làng dân tộc Mông ở xã vùng cao Co Mạ, kể lại, Tết Độc lập (tiếng Mông gọi là chua li) nghĩa là tháng 9, khi những cây lúa trên nương của đồng bào Mông bước vào thì con gái, những bắp ngô đã bắt đầu chín vàng cũng là lúc bà con người Mông lại háo hức về ngày đón Tết Độc lập.

 Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức.

"Ngày 2.9, cách đây đúng 77 năm, đồng bào các dân tộc của các xã vùng cao huyện Thuận Châu đã đổ về xã Co Mạ để đón Tết Độc lập đầu tiên. Khi ấy chưa có điện, chưa có đường như bây giờ, nhưng đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Kháng… đổ về trung tâm xã vùng cao Co Mạ rất đông" - anh Mua nói. 

Tại xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Mộc Châu và du khách 2 nước Việt Nam - Lào tụ hội về khu vực cửa khẩu Quốc gia Lóng Sập để cùng tham dự các hoạt động mừng Tết Độc lập. 

Những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.  

Những hoạt động năm nay được xã Lóng Sập tổ chức với nhiều nội dung phong phú như thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ Việt - Lào. Bên cạnh đó, những mặt hàng nông sản, đồ gia dụng, thổ cẩm và ẩm thực đặc trưng cũng được bày bán và thu hút sự quan tâm của bà con cùng du khách thập phương

Chị Bùi Ngọc Anh (du khách đến từ TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Thay vì đi du lịch ở các điểm du lịch nổi tiếng, năm nay mình chọn trải nghiệm Tết Độc lập ở vùng cao Sơn La. Mình đã thật sự choáng ngợp trước những trang phục sặc sỡ của đồng bào dân tộc nơi đây và cũng rất thích thú khi được tham gia trải nghiệm nhiều điều thú vị". 

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cho biết: "Đồng bào các dân tộc ở vùng cao Sơn La coi Tết Độc lập như dấu mốc quan trọng trong đời sống bởi có Đảng, có Bác Hồ, có cách mạng. Cuộc sống của họ được bước sang một trang mới, học cách làm ăn, thoát khỏi đói nghèo. 

Theo vị lãnh đạo, cũng nhờ dịp này, bà con ở vùng cao có dịp xuống núi, được giao lưu, học hỏi, tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để về áp dụng, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế. 

Một số hình ảnh Tết độc lập ở vùng cao Sơn La:

 Người dân và du khách đổ về khu vực cửa khẩu Lóng Sập, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vui Tết độc lập. 
 Cuộc thi giã bánh giày được tổ chức thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách...
... tạo nên sự gắn kết cộng đồng. 
Bên cạnh đó, những mặt hàng truyền thống của các dân tộc cũng được bày bán tại các phiên chợ vùng cao. 
Cùng với đó là nông sản đặc trưng của mỗi địa phương.  
Trong những bộ quần áo sặc sỡ, ai cũng muốn lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp.
Nếu như Tết nguyên đán là dịp để tạm gác lại những vất vả, lo toan và nhọc nhằn thì Tết Độc lập, được đồng bào các dân tộc xem như dấu mốc quan trọng trong đời sống của họ, bởi có Đảng, có Bác Hồ, có cách mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn