MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh do Công ty Galaxy sản xuất. Ảnh chụp lại từ trailer phim

Đau đầu chuyện cấp phép phổ biến phim

Việt Văn LDO | 25/03/2022 08:10

Việc cấp phép phổ biến phim sẽ được phân cấp như thế nào, Hội đồng duyệt phim sẽ được mở rộng thành phần hay có những thay đổi gì, có nên xã hội hóa, cấp phép cho một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định phim... là vấn đề rất nóng cho một dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sắp trình Quốc hội thông qua vào tháng 5.2022.  

Nóng ở phim truyện Việt

Hiện nay, theo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sắp trình Quốc hội thông qua vào tháng 5.2022 thì việc cấp giấy phép phân loại  phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng sẽ được phân cấp cụ thể theo điều 27. Tuy nhiên vẫn có những luồng ý kiến khác nhau.

Theo điều 27, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của trung ương sản xuất. Phim truyện nhập khẩu phổ biến trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng trên toàn quốc. Phim sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp ở trung ương sản xuất, giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu. Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh của trung ương nhập khẩu. Phim do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ; phim do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sản xuất, hợp tác sản xuất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trong phạm vi địa phương. Phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của địa phương sản xuất. Phim truyện nhập khẩu phổ biến trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng của địa phương mình. Phim do địa phương giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh của địa phương nhập khẩu.

Như vậy theo điều 27 ví dụ như về phim ngoại nhập có thể hiểu:

Với phim ngoại nhập ở bất cứ thể loại nào (phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình...) thì tỉnh nào nhập phim sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh đó cấp phép và giấy phép chỉ có hiệu lực trong địa giới hành chính tỉnh đó. Ví dụ như một phim Mỹ, tỉnh Long An nhập thì UBND tỉnh sẽ cấp phép và nếu được phổ biến phim đó chỉ được chiếu ở Long An, muốn chiếu ở tỉnh khác lại phải do tỉnh khác cấp phép.

Còn với phim ngoại nhập cả nước thì sẽ do Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim do Bộ VHTTDL thành lập, có thể tạm gọi tắt là Hội đồng duyệt phim.

Vấn đề nằm ở phim Việt Nam. Trước đây điều kiện để Ủy ban nhân tỉnh có thể cấp phép phổ biến phim truyện Việt do địa phương sản xuất (theo nghị định 54 hướng dẫn Luật Điện ảnh điều 18 năm 2010) là năm trước liền kề, các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng các điều kiện sau: Sản xuất ít nhất 10 phim truyện nhựa được phép phổ biến và nhập khẩu ít nhất 40 phim truyện nhựa được phép phổ biến.  Và nếu trong năm, địa phương không đáp ứng được hai điều kiện quy định trên thì năm kế tiếp Ủy ban nhân dân tỉnh không còn thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim truyện. Tuy nhiên thời điểm đó, việc sản xuất 10 phim truyện nhựa được phép phổ biến với địa phương là bất khả thi, cùng với đó, các phim Việt do địa phương sản xuất, tỉnh cũng muốn gửi về Hội đồng Trung ương duyệt vì sự tin tưởng và cũng vì muốn quảng bá cho tỉnh mình.

Giờ đây trong bối cảnh công nghệ số đã phát triển như vũ bão thì mọi thứ đã thay đổi. Việc đặt trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép phổ biến phim truyện Việt do địa phương sản xuất hay chuyển về cho Hội đồng T.Ư duyệt phim truyện là vấn đề đang tranh luận. Tuy nhiên với số lượng phim truyện điện ảnh Việt sản xuất hàng năm hiện nay, sau dịch bệnh chỉ khoảng 25-26 phim/năm và nhìn vào thực tế các địa phương  (cơ sở sản xuất phim, rạp chiếu...) việc giao phim Việt cho Hội đồng T.Ư duyệt được nhiều đại biểu ủng hộ. Và tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được rà soát, lược bỏ quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị ngang nhau.

Hội đồng duyệt phim và trách nhiệm nặng nề

Giờ đây khi số lượng và dung lượng mỗi bộ phim ngày càng tăng, áp lực cho Hội  đồng T.Ư duyệt phim ngày càng tăng. Chưa nói nhiều phim ngoại nhập giờ thường trên 100 phút, có phim tới 157 phút, phim truyện Việt giờ cũng theo trend ngày càng dài hơn, có phim tới 136 phút.

Việc duyệt phim đặc biệt là phim ngoại có hình ảnh liên quan tới bản đồ hay những lời thoại nhạy cảm, có ý xúc phạm đến dân tộc, tôn giáo phải được xem đi xem lại. Dư luận hay “soi” lại câu chuyện về “Everet, người tuyết bé nhỏ” có hình bản đồ lưỡi bò mà không thấy rằng đây là phim đã công chiếu cho báo giới xem và sau đó chiếu gần hai tuần mà cũng không ai nhận ra cho đến khi một khán giả phát hiện. Bản đồ lưỡi bò quá nhanh chỉ tích tắc phải dừng hình xem đi xem lại mới nhận ra. Tuy nhiên đó là bài học đau xót mà các thành viên Hội đồng duyệt để sau này không lặp lại để mới đây cho cấm chiếu “Thợ săn cổ vật” vì có bản đồ hình lưỡi bò.

Việc duyệt phim truyện vài năm gần đây của Hội đồng cũng được được dư luận đánh giá tích cực hơn khi loạt phim Việt “Người tình”, “Bẫy ngọt ngào”, “Chuyện ma gần nhà” ra rạp mà không phải cắt sửa. Rồi phim “Vị” khi xuất hiện bản chiếu lậu trên mạng, nhiều khán giả vào xem và đều ủng hộ quyết định cấm phim của Cục Điện ảnh dù trước đó còn có ý kiến phản biện, thậm chí cực đoan. Như ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh luôn nhấn mạnh duyệt phim phải thoáng hơn nhưng phải luôn bám sát hai nguyên tắc bất di bất dịch không được vi phạm là đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; và chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.  

Có một số ý kiến đề nghị thực hiện xã hội hóa, cấp phép cho một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định phim. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các đại biểu Quốc hội, tháng 3.2022 có nêu rõ: Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng và chịu trách nhiệm đối với những phim do mình cấp phép, quyết định phát sóng. Hội đồng thẩm định, phân loại phim là tổ chức có chức năng tư vấn, giúp cơ quan Nhà nước phân loại, quyết định. Để cấp Giấy phép phân loại, quyết định phát sóng, Bộ VHTTDL, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan truyền hình sẽ phải thành lập nhiều Hội đồng khác nhau, có thành phần tham gia phù hợp với nội dung và thể loại phim. 

Cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim có thể mời các nhà quản lý, chuyên gia độc lập hoặc chuyên gia đang hoạt động tại các Hiệp hội chuyên ngành tham gia Hội đồng thẩm định, phân loại phim, bảo đảm yếu tố phù hợp, khách quan và hiệu quả. Khi đó, cơ sở điện ảnh có nhiều lựa chọn đơn vị tư vấn của cơ quan Nhà nước cũng như đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà chuyên môn… tư vấn, trước khi gửi cơ quan Nhà nước cấp Giấy phép phân loại, Quyết định phát sóng phim do mình sản xuất, phát hành. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thành phần, trách nhiệm, yêu cầu chuyên môn của Hội đồng thẩm định và phân loại phim; huy động các tổ chức, cá nhân có chuyên môn tham gia Hội đồng thẩm định phim. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tế có nhiều hội đồng phân loại phim khác nhau, phù hợp với các thể loại phim, do vậy yêu cầu thành phần của các hội đồng phân loại phim có sự khác nhau nhất định, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Hội đồng thẩm định, phân loại phim. Quy định cụ thể về thành phần, trách nhiệm của thành viên… sẽ do văn bản dưới Luật hướng dẫn để linh hoạt trong thực tế. Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý khoản 2 Điều 31, bỏ quy định tỉ lệ 2/3 thành viên Hội đồng thẩm định là các chuyên gia điện ảnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn